Độ ẩm không khí trong nhà nên duy trì bao nhiêu? Cách nào giúp kiểm soát độ ẩm không khí vào mùa hè hiệu quả, không gây hại sức khỏe? (Huế, 30 tuổi, Quảng Bình)
Trả lời:
Độ ẩm không khí chỉ hàm lượng hơi nước có trong không khí, chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường, áp suất và gió. Vào mùa đông, nhiệt độ thấp, độ ẩm không khí tăng cao, có thể đạt mức bão hòa. Vào mùa hè, nhiệt độ tăng khiến độ ẩm không khí giảm xuống thấp.
Độ ẩm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, chỉ số quá cao có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật, virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng, viêm đường hô hấp. Nếu chỉ số này quá thấp sẽ khiến cơ thể mất nước, khô da, khô niêm mạc đường thở, kích ứng đường hô hấp, gây ra ho, đau họng, khó thở,… Người mắc bệnh hen suyễn, viêm phế quản mạn, phổi tắc nghẽn mạn tính,… có thể bị khởi phát các đợt cấp hoặc triệu chứng bệnh tăng nặng nếu ở lâu trong môi trường không khí có độ ẩm không phù hợp.
Theo các nhà khoa học Mỹ, độ ẩm không khí trong nhà ở mức 40-60% có thể giảm thiểu sự lây truyền và khả năng tồn tại của một số loại virus, tối đa hóa chức năng miễn dịch của con người và giảm thiểu rủi ro sức khỏe do nấm mốc gây ra. Độ ẩm quá thấp hoặc quá cao so với mức này đều gây hại sức khỏe. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc tại 166 quốc gia trong đại dịch Covid-19 cũng chỉ ra, việc duy trì độ ẩm này giúp giảm số ca mắc mới và tử vong. Ngược lại, tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn nếu độ ẩm không được kiểm soát.
Có thể sử dụng máy đo độ ẩm để theo dõi độ ẩm không khí trong nhà. Một số thiết bị như điều hòa không khí, máy tạo ẩm, máy hút ẩm,… cũng được tích hợp chức năng hiển thị độ ẩm. Nếu mức ẩm lớn, bạn nên sử dụng điều hòa không khí hoặc máy hút ẩm. Nếu không khí quá khô, bạn cần dùng thêm máy phun sương, máy tạo ẩm. Tuy nhiên, để hạn chế các nguy cơ gây hại sức khỏe, việc sử dụng thiết bị kiểm soát độ ẩm cần lưu ý:
Với thiết bị hút ẩm: Cần vệ sinh màng lọc khí định kỳ 3 đến 6 tháng một lần để loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc tích tụ trong máy.
Với thiết bị tạo ẩm: Sử dụng nước khử khoáng hoặc nước cất để tạo ẩm, tránh trường hợp chất khoáng trong nước lọc thông thường có thể bị lắng đọng thành các hạt bụi trắng, gây hại hô hấp nếu hít phải.
Thường xuyên vệ sinh máy: Thay nước, rửa sạch những cặn lắng trong bồn chứa và các bộ phận khác mỗi 3 ngày, thay bộ lọc của máy định kỳ.
Hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điều hòa làm mát tăng cao. Trong khi, nguyên lý hoạt động của máy điều hòa không khí là hút hơi ẩm ra khỏi phòng để làm mát, khiến độ ẩm trong phòng bị giảm xuống đáng kể. Cùng với việc kiểm soát độ ẩm ở mức hợp lý bằng cách sử dụng thiết bị tạo ẩm, bạn nên lưu ý bổ sung đủ nước cho cơ thể. Uống đủ nước giúp máu lưu thông tốt, chất độc được đào thải nhanh, đặc biệt là nước mát ở nhiệt độ phòng. Nước đá lạnh không chỉ gây khó tiêu mà còn khiến niêm mạc đường hô hấp bị co lại, phù nề, xung huyết, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Mỗi ngày, người trưởng thành khỏe mạnh nên uống khoảng 2 lít nước, nên chia làm nhiều lần.
Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Thành Đô
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội