Về nội dung này, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thị xã Kinh Môn làm việc với Công ty Xi măng Hoàng Thạch để xác định trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần diện tích được cấp mỏ đã khai thác xong. Trong đó diện tích được sử dụng dùng chung giữa người dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Kinh Môn và doanh nghiệp phải có biện pháp quản lý phù hợp. Phần diện tích đã khai thác xong phải đóng cửa và hoàn thổ theo quy định, bàn giao cho địa phương. Công tác bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác phải được quan tâm. Trên cơ sở đánh giá hoạt động khai thác khoáng sản của doanh nghiệp để đề xuất gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản phù hợp.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Xi măng Hoàng Thạch được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp nặng (cũ) và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 4 giấy phép khai thác khoáng sản tại các phường Minh Tân, Phú Thứ, Tân Dân, Duy Tân (Kinh Môn) với tổng diện tích gần 510 ha. 1 giấy phép đã hết hạn từ năm 2020, 1 giấy phép có thời hạn đến năm 2025, 1 giấy phép được cấp đến năm 2043 và 1 giấy phép đến năm 2045 chưa đưa vào khai thác. Công ty có 3 dây chuyền sản xuất với tổng công suất 3,6 triệu tấn clinker và 5,5 triệu tấn xi măng/năm. Do khó khăn về nguồn nguyên liệu nên 1 dây chuyền đã tạm dừng sản xuất từ ngày 18.1.2023. Nếu không gia hạn giấy phép đã hết hạn thì nguồn đá vôi, đá sét không đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Riêng với dự án đầu tư mỏ sét Cúc Tiên theo giấy phép khai thác đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, do vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư 11 lô đất ở nên chưa được triển khai thực hiện.
HOÀNG LINH