Logo ngân hàng NDB bên ngoài trụ sở ở Thượng Hải. Ảnh: Getty Images
Tạp chí Financial Times (FT) đưa tin ngày 28/5 động thái này dự kiến củng cố mối quan hệ giữa ngân hàng cho vay có trụ sở tại Thượng Hải, được thành lập bởi BRICS (bao gồm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào năm 2014, với nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới.
“Đối với Trung Đông, chúng tôi rất coi trọng vai trò của Saudi Arabia và hiện tham gia vào một cuộc đối thoại với họ,” NDB cho biết trong một tuyên bố.
Ra mắt với mục đích tài trợ cho cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở các quốc gia thành viên và các nền kinh tế mới nổi khác, NDB đã mở rộng thành viên, bao gồm Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Uruguay và Ai Cập. Ngân hàng đã đầu tư khoản vay cho hơn 96 dự án ở 5 quốc gia thành viên sáng lập.
Tổ chức tài chính đa quốc gia này cũng đang chuẩn bị đánh giá các lựa chọn tài trợ của mình, vốn đã bị lung lay sau khi Nga hứng chịu nhiều đợt trừng phạt của phương Tây vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ngân hàng BRICS dự kiến tổ chức cuộc họp thường niên trong 2 ngày 30-31/5.
Đối với Riyadh, trở thành một thành viên của ngân hàng NDB mang lại triển vọng củng cố mối quan hệ với các quốc gia thành viên BRICS. Năm nền kinh tế chiếm hơn 40% dân số thế giới và gần 1/4 GDP toàn cầu.
Các cuộc đàm phán diễn ra vào thời điểm Saudi Arabia và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác. Vào tháng 3, Bắc Kinh đã làm trung gian cho một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa vương quốc này và Iran, giúp xoa dịu căng thẳng trong khu vực. Saudi Arabia cũng đã tăng cường đáng kể quan hệ năng lượng với Trung Quốc.
Saudi Arabia dự kiến trở thành một cổ đông đáng tin cậy về tài chính trong NDB khi ngân hàng quốc tế này đánh giá khả năng huy động vốn. Trước đó, các lệnh trừng phạt đối với Nga đã làm dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc của ngân hàng vào Moskva, nơi nắm giữ khoảng 19% cổ phần.
Nguồn Báo Tin tức (Theo RT)