Hà NộiAnh Sơn, 38 tuổi, một tay bế con gái đang ngủ, một tay phe phẩy quạt giấy, mồ hôi đầm đìa, ngồi chờ trước cửa khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai.
“Tôi đến viện từ 4h sáng, nắng nóng mà bệnh nhân đông nên đưa bé ra đây ngồi cho dễ thở. Ngột quạt quá”, anh Sơn, quê Nam Định, nói hôm 1/6.
Anh cho biết sau bữa ăn trưa hôm 31/5, con kêu mệt, đau bụng và tiêu chảy, uống thuốc không đỡ. Đến nửa đêm, bé lên cơn sốt cao, co giật, gia đình thuê xe taxi chạy xuyên đêm lên Bệnh viện Bạch Mai, lo con bị ngộ độc. Sau khám, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phế quản phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, phải nhập viện theo dõi thêm. Trời nắng, bé khó chịu quấy khóc, không chịu ăn, bố mẹ thay phiên ẵm bế, dỗ con bằng sữa và bánh.
Hà Nội đang vào những ngày nắng nóng, đỉnh điểm trên 40 độ C, chỉ số tia cực tím từ 10 đến 12 – mức rất nguy hiểm với cơ thể khi tiếp xúc trực tiếp. Ở các bệnh viện, người nhà và bệnh nhân đi khám đều chịu chung cảnh “phơi người” giữa trời nắng. Trước khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, mọi người ngồi la liệt trên ghế đá, hành lang, gốc cây. Càng về trưa, nhiệt độ càng cao, một số người trùm khăn ướt lên đầu, đổ nước mát lên mặt, tay liên tục quạt.
Bà Xuân, 55 tuổi và con gái liên tục lau mồ hôi do quá nóng, mặt đỏ ứng như trái cà chua. Bà cho biết đến viện từ 5h vì biết Bạch Mai luôn quá tải, song vẫn phải chờ hàng tiếng. Do chưa thể nội soi dạ dày, bà ngồi tạm ở dãy ghế đối diện cửa phòng khám, đợi lượt buổi chiều, thi thoảng đứng sát cửa để hóng gió từ trong phòng có máy điều hòa phả ra ngoài.
“Từ đêm qua tôi phải nhịn ăn, sống nhờ vào mấy cốc nước. Nếu chiều không nội soi được chắc tôi nhập viện vì ốm quá, người héo hon không muốn làm gì”, bà kể.
Tình trạng người nhà, bệnh nhân mệt mỏi dưới nắng nóng cũng diễn ra tại các bệnh viện Nhi Trung ương, Sản Trung ương, Xanh Pôn, Lão khoa, Bưu điện… Anh Chung, 30 tuổi, cùng vợ chăm con ốm tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhưng chỉ một người được ở lại phòng bệnh. Ban ngày, anh lang thang khắp các hành lang tìm chỗ nghỉ nhưng không dám đặt lưng vì hơi nóng hầm hập. “Chiếu trải giữa nền chỉ cần vò nhẹ là nhăn nhúm, nóng như nằm trên hầm than”, anh miêu tả.
Sáng 2/6, trả lời VnExpress, TS. Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đơn vị này là tuyến cuối nên luôn trong tình trạng đông đúc, nhiều bệnh nhân nặng, nhất là khi trời nóng bức, nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, nhồi máu, tăng huyết áp tăng.
Hầu hết phòng bệnh tại Bạch Mai đều trang bị máy điều hòa. Bệnh viện cũng chuẩn bị nước miễn phí và hệ thống phun sương để giảm nóng bức tại khu vực cấp cứu, khám bệnh – nơi tiếp nhận khối lượng bệnh nhân lớn. Giờ khám được điều chỉnh lên sớm hơn một tiếng để bệnh nhân không phải chờ đợi quá lâu. “Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt, nóng từ 5h đến tận 10h đêm vẫn oi bức, mọi biện pháp chỉ giảm nhiệt được phần nào”, ông Hùng cho hay.
Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương nói đã chuẩn bị phương tiện chống nóng như quạt, bạt che, nước uống, nước sinh hoạt, nhưng chỉ giảm nhiệt phần nào. “Thời tiết này ai đi khám cũng mệt, mọi người phải tự khắc phục”, người này nói.
Còn tại Bệnh viện Bưu Điện, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng đơn nguyên Tim mạch, Khoa Hồi sức cấp cứu, cho biết đơn vị đã lắp điều hòa mát từ hầm gửi xe đến tất cả phòng bệnh. Dù vậy, do viện tuyến cuối tập trung quá đông bệnh nhân từ các tỉnh thành đổ về, nên các biện pháp chống nóng không thỏa mãn được nhu cầu.
Ngày 21/5, dự báo nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng sẽ xảy ra do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trên cả nước phải tăng cường công tác phòng chống nắng nóng. Cụ thể, lắp đặt mái che lối đi giữa các khối nhà, khu vực ngoài trời tập trung đông người nhà người bệnh; bổ sung quạt và máy điều hòa, đảm bảo thông khí tại sảnh chờ, hành lang và các khoa điều trị; cung cấp nước uống miễn phí.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình trong thời tiết nắng nóng, ăn uống lành mạnh, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Trong phòng, máy điều hòa đặt 27-28 độ, không nên để lạnh hoặc nóng quá. Thường xuyên mở cửa, lau chùi đồ đạc, tránh tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển.
Không nên xả nước tắm rất lạnh để hạ nhiệt độ cơ thể khi quá nóng. Nên hạ từ từ nhiệt độ cơ thể xuống bằng cách nghỉ ngơi trong môi trường nhiệt độ mát, dùng quạt làm mát sau đó mới đi tắm, tránh gây sốc nhiệt.
Hạn chế tối đa tiếp xúc với ánh nắng, nhất là vùng vai gáy. Khi ra ngoài nắng cần mặc quần áo bảo hộ, mũ, nón, kính, thoa kem chống nắng.
Người làm việc ngoài trời nên bố trí thời gian lao động vào lúc mát mẻ như sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, tránh các hoạt động thể lực quá sức.
Minh An