Tôi tìm hiểu thì thấy thông tin thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến viêm mạch máu và oxy hóa – hai yếu tố góp phần tăng nguy cơ đột quỵ. Điều này có đúng không? Nhờ bác sĩ giải đáp. (Nguyễn Thị Nga, 28 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Một số nghiên cứu cho thấy thiếu hụt vitamin B12 có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ chứ chưa có nghiên cứu khẳng định sự thiếu hụt này có thể gây ra đột quỵ. Cần có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu, quy mô lớn để khẳng định các kết quả này.
Theo đó, không nhận đủ vitamin B12 đi kèm với một số yếu tố khác có thể góp phần dẫn đến đột quỵ. Thiếu hụt vitamin B12 kéo dài gây ra sự gia tăng chất hóa học gọi là homocysteine. Quá nhiều homocysteine tạo ra viêm mạch máu và quá trình căng thẳng oxy hóa. Viêm dẫn đến tổn thương mạch máu và sự tích tụ các chất dư thừa bên trong các mạch máu. Sự tích tụ này ngày càng lớn có thể dẫn đến gián đoạn lưu lượng máu bình thường trong não. Căng thẳng oxy hóa làm tổn thương các mạch máu dễ dẫn đến chảy máu, sau cùng hình thành cục máu đông, cản trở lưu thông máu gây đột quỵ.
Theo một nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ), mức độ vitamin B12 thấp thường được tìm thấy ở người sống sót sau cơn đột quỵ. Các nhà nghiên cứu đã tiêm vitamin B12 để đạt được mức B12 tối ưu và giảm hormone homocysteine ở người tham gia thử nghiệm. Kết quả bổ sung vitamin B12 có tác dụng làm giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ. Thiếu vitamin B12 có thể tạo ra thiếu máu hồng cầu khổng lồ (cơ thể có ít tế bào hồng cầu và các tế bào hồng cầu lớn bất thường, không thể hoạt động bình thường). Sự thiếu hụt này gây ra tổn thương chất trắng của tủy sống và não, bệnh thần kinh ngoại vi và chứng sa sút trí tuệ.
Xét nghiệm máu có thể đo nồng độ vitamin B12. Mức bình thường là từ 200-900 pg/mL. Một số dấu hiệu có thể liên quan đến thiếu B12 như: đốm màu vàng nhạt trên da, lưỡi đỏ đau, loét trong miệng, tầm nhìn bị ảnh hưởng, đau đầu, tâm trạng lâng lâng, lo lắng và trầm cảm và các vấn đề về đường tiêu hóa.
Có nhiều nguyên nhân gây thiếu vitamin B12 như do chế độ ăn, cơ thể không hấp thụ được đầy đủ dưỡng chất này do các bệnh lý. Các tình trạng y tế và nhiễm trùng cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của dạ dày hoặc chức năng của ruột non có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin B12, ngay cả khi chế độ ăn phù hợp và đầy đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, phổ biến hơn là trong khẩu phần ăn thiếu vitamin B12, nhất là ăn chay lâu dài.
Uống rượu nhiều và nghiện rượu nặng có thể gây thiếu hụt vitamin B12 dù tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều loại vitamin B12. Điều này có thể do những thay đổi trao đổi chất trong cơ thể gây khó khăn cho việc hấp thụ và sử dụng vitamin B12.
Bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống vitamin B12 nếu bị thiếu hụt. Thịt đỏ và gan là hai loại thực phẩm có hàm lượng vitamin B12 cao. Các nguồn khác có chứa loại vitamin này như thịt gà, trứng, sữa, động vật có vỏ và cá. Người ăn thuần chay nên bổ sung vitamin B12 hoặc thực phẩm bổ sung theo tư vấn của bác sĩ. Người hấp thụ vitamin B12 kém (không hấp thụ được) do các vấn đề về dạ dày hoặc đường ruột nên thăm khám bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.
BS.CKII Phạm Ngọc Danh Khoa
Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM