Theo một báo cáo mới, giá nhà riêng của Singapore hiện đắt nhất ở châu Á – Thái Bình Dương, đã vượt qua Hồng Kông.
Dữ liệu từ Chỉ số khả năng tiếp cận nhà của Trung tâm Nhà ở châu Á – Thái Bình Dương của Viện Đất đô thị (ULI) cho thấy giá trung bình của nhà riêng ở Singapore là 1,2 triệu đô la vào năm 2022, cao hơn so với 1,16 triệu đô la của Hồng Kông.
Theo báo cáo, nhà cho thuê tư nhân ở Singapore cũng có giá thuê hàng tháng cao nhất trong khu vực ở mức 2.600 USD – “vượt xa” các thành phố khác như Sydney, Melbourne và Hồng Kông.
Báo cáo đã thu thập số liệu thống kê của chính phủ từ 45 thành phố tại 9 thị trường ở châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời đo lường khả năng có được nhà đối với cả quyền sở hữu nhà và tiền thuê nhà liên quan đến thu nhập trung bình của các hộ gia đình.
Hồng Kông “về sau” Singapore
ULI cho biết giá nhà ở Hồng Kông “đã giảm đáng kể” vào năm 2022, với lý do lãi suất thế chấp tăng mạnh khi Hồng Kông theo kịp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Vào tháng 10, giá nhà ở Hồng Kông đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm do lãi suất tăng đẩy chi phí vay tăng lên.
Đầu tháng này, cơ quan tiền tệ của Hồng Kông đã tăng lãi suất cơ bản lên 5,5%, sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất quỹ liên bang từ 5% lên 5,25%.
Báo cáo của ULI cho biết “dòng dân số ròng rời đi” và “quan điểm kém lạc quan hơn” về thị trường bất động sản địa phương cũng khiến giá nhà trung bình của Hồng Kông giảm 8,7% từ 1,27 triệu đô la năm 2021 xuống còn khoảng 1,16 triệu đô la vào năm 2022.
Trong khi đó, nhà riêng của Singapore đã vượt qua Hồng Kông để trở thành nơi đắt nhất ở châu Á – Thái Bình Dương, với mức giá trung bình tăng hơn 8% trong năm qua, báo cáo cho biết.
Mới tháng trước, Singapore đã tăng thuế đối với việc mua bất động sản trong bối cảnh lo ngại rằng giá cả tăng cao “có thể đi trước các yếu tố cơ bản của nền kinh tế”.
Trong một vòng các biện pháp hạ nhiệt mới, chính phủ Singapore cho biết những người mua bất động sản dân cư trong và ngoài nước sẽ phải trả thuế cao hơn, được biết đến ở địa phương là thuế đóng dấu bổ sung của người mua.
Tuy nhiên, báo cáo nói thêm rằng nhà riêng ở Hồng Kông vẫn đắt nhất tính trên mỗi mét vuông, có giá 19.768 USD và “cao hơn gấp đôi” so với con số trung bình của Singapore, Thâm Quyến và Bắc Kinh.
Giá thuê tăng sốc
Nhà cho thuê tư nhân của Singapore có giá thuê hàng tháng cao nhất trong khu vực, đã tăng gần 30% vào năm 2022.
ULI cho rằng việc tăng giá thuê và giá nhà là do nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như sự gia tăng người di cư, tốc độ hoàn thiện các tòa nhà chậm lại và các chuyên gia trẻ tuổi rời khỏi ngôi nhà của gia đình nhiều thế hệ để có thêm không gian và sự tự do.
Báo cáo cho biết thêm, giá nhà tư nhân đã giảm ở Sydney và Melbourne khi nhiều người quay trở lại các thành phố trong khu vực và 11 lần tăng lãi suất “chưa từng có” trong 12 tháng.
Nhưng những ngôi nhà và căn hộ trên khắp Sydney, Melbourne và Brisbane đã chứng kiến sự gia tăng về giá thuê trung bình hàng tháng.
Giá thuê nhà ở Sydney trung bình hàng tháng là 1.958 USD trong khi giá thuê căn hộ là 1.732 USD.
“Đã có sự đảo ngược xu hướng di chuyển dân số trở lại các thành phố thủ đô kể từ khi kết thúc dịch Covid-19 vào năm 2022. Đây có thể là một trong những lý do khiến giá thuê nhà trung bình tăng lên trong nước,” David Faulkner, Chủ tịch ULI khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói với CNBC.
Giá đắt nhưng mua nhiều
Mặc dù nhà riêng của Singapore đắt nhất trong khu vực, thành phố này cũng có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất với 89,3%.
Đó là bất chấp mức tăng 7,9% của giá Ủy ban Phát triển Nhà ở Singapore (HDB) trung bình từ năm 2021 đến năm 2022, với tỷ lệ giá HDB trung bình trên thu nhập trung bình hàng năm cũng tăng từ 4,5 lên 4,7. HDB, hay Ủy ban Phát triển Nhà ở, là cơ quan quản lý nhà ở công cộng của Singapore.
Đối với nhà riêng ở Singapore, tỷ lệ này là 13,7%.
Báo cáo cho biết: “Nói chung, quyền sở hữu nhà được coi là không thể chi trả được khi tỷ lệ giá nhà trung bình trên thu nhập hộ gia đình trung bình hàng năm vượt quá 5”.
“Theo tiêu chuẩn này, chỉ các căn hộ của HDB và các căn hộ ở Melbourne và Brisbane, Australia, mới được coi là có giá phải chăng.”
Tương tự như chỉ số năm ngoái, các thành phố của Trung Quốc đại lục có thứ hạng thấp nhất về khả năng tiếp cận nhà.
Báo cáo lưu ý rằng tỷ lệ sở hữu nhà ở Trung Quốc đã “giảm đáng kể” trong 10 năm qua.
“Khả năng đạt được nhà ở của các thành phố gắn liền trực tiếp với lượng cung cấp nhà ở mới so với mức tăng dân số,” báo cáo nói thêm.
“Đối với Thâm Quyến, dân số của nó đã tăng hơn 7 triệu người trong khoảng thời gian 12 năm từ 2010 đến 2022… nhưng nguồn cung nhà ở mới chỉ tăng 31 triệu mét vuông, mức tăng nhỏ nhất trong số các thành phố của Trung Quốc trong cùng thời kỳ”, báo cáo viết.
Hoàng Tú/Theo CNBC