Máy se chỉ xơ dừa giúp phụ nữ nông thôn có thu nhập tốt hơn.
Mục tiêu đề ra
Đề án Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030 của Tỉnh ủy (Đề án số 06-ĐA/TU) được ban hành vào ngày 29-1-2021. Đề án ra đời trong bối cảnh Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định nhiệm vụ đột phá là tập trung phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu và tầm nhìn chiến lược phát triển của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cấp ủy viên và người đứng đầu.
Từ năm 2015 – 2019, số người bước vào độ tuổi lao động bình quân hàng năm trên 18 ngàn người, trong đó có nhu cầu làm việc khoảng 6.500 người. Số còn lại không tham gia hoạt động kinh tế khoảng 11.500 người. Dự báo đến năm 2025, nguồn lực lao động của tỉnh tham gia hoạt động kinh tế khoảng 860.272 người và tầm nhìn đến năm 2030 khoảng 871.782 người. Mục tiêu cụ thể của Đề án số 06-ĐA/TU là đến năm 2025, nâng cao trình độ học vấn (giáo dục phổ thông) của nguồn nhân lực, tạo tiền đề cho phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi vào nhà trẻ 25%, mẫu giáo 90%, tiểu học 100%, THCS 99%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học 99%, THCS 99%.
Tỷ trọng làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dưới 43% tổng số lao động tỉnh. Đáp ứng cơ bản yêu cầu cân đối cung, cầu nhân lực trong phát triển kinh tế – xã hội. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 35%, giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tiếp cận trình độ quốc gia. Mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 20 ngàn lao động, trong đó đưa 2 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đạt về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng kiến thức mới phục vụ công tác quản lý, điều hành trong thời kỳ cách mạng công nghiệp và hội nhập quốc tế.
Đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài, nhân lực có trình chuyên môn, kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (khu vực I). Tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng (khu vực II) và thương mại, dịch vụ, du lịch (khu vực III). Phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh…
Kết quả thực hiện
Qua 2 năm 2021 – 2022 thực hiện Kế hoạch số 3409/KH-UBND của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực, kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cụ thể như sau: đào tạo là 429 người, bồi dưỡng lý luận chính trị – hành chính 1.297 người, quản lý nhà nước 1.335 người, kỹ năng lãnh đạo, quản lý điều hành cấp phòng, cấp huyện, cấp sở 1.075 người; chuyên môn nghiệp vụ, chức danh nghề nghiệp 15.185 người; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh 2.549 người; bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp là 4.127 người.
Tỉnh đã hợp tác, liên kết với 20 trường đại học, cao đẳng chất lượng trong và ngoài nước trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho 953 lượt người tham gia, thông qua các hình thức trực tiếp và trực tuyến (năm 2021 là 470 lượt người và năm 2022 là 483 lượt người), vượt chỉ tiêu đề ra (400 người/năm). Tạo điều kiện cho 8 chuyên gia Hàn Quốc và Nhật Bản có trình độ khoa học kỹ thuật cao đến làm việc, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh cũng đã phê duyệt và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng đến năm 2023; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Trường Cao đẳng Bến Tre giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên 2 lĩnh vực là nông nghiệp và phi nông nghiệp cũng được tỉnh triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao tay nghề và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Đến nay, tỉnh đã triển khai đảm bảo 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đã bố trí bác sĩ phục vụ, các trạm có bác sĩ tăng cường tối thiểu 3 ngày trong tuần…
Kết quả đến nay, có 9 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 329,3ha, có 7 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 299,4ha; có 4 cụm công nghiệp đã đầu tư và đi vào hoạt động, có 27 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.833,52 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.933 lao động. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2 khu công nghiệp (An Hiệp, Giao Long), với tổng số lao động 33.892 người, trong đó lao động địa phương chiếm trên 80% trong tổng số lao động. Lao động phổ thông chiếm khoảng 64% trên tổng số lao động trong các khu công nghiệp, trong khi đó tỷ lệ lao động được đào tạo ở trình độ cao đẳng, đại học chiếm khoảng 12%.
“Qua 2 năm, việc triển khai Đề án số 06-ĐA/TU của Tỉnh ủy trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, về số lượng nguồn nhân lực được đào tạo có tăng lên, chất lượng nguồn nhân lực cũng có chuyển biến tốt so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn chưa thỏa mãn được yêu cầu đề ra của Đề án số 06. Từ phân tích, báo cáo tại hội nghị có thể thấy, nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó, đặt ra cho tỉnh phải có giải pháp, tập trung, đẩy mạnh hơn nữa trong việc thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, phục vụ sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới”.
(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười phát biểu tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Kế hoạch số 3409/KH-UBND của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU)
|
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: Thạch Thảo