Chiều 31/5, đoàn khảo sát Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy do đồng chí Bế Thanh Tịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm trưởng đoàn khảo sát kết quả thực hiện Đề án “Nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành giai đoạn 2021 – 2025” (gọi tắt là Đề án số 02) tại Thành ủy.
Trước khi Đề án số 02 được ban hành, Thành ủy quan tâm chỉ đạo duy trì thực hiện công tác nghiên cứu lịch sử Đảng bộ địa phương, thu thập các thông tin, tư liệu phục vụ việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trên địa bàn, hoàn thành một số công trình như: lịch sử Đảng bộ thành phố Cao Bằng (1930 – 2012), lịch sử Đảng bộ phường Đề Thám (1930 – 2012), lịch sử Đảng bộ xã Hưng Đạo (1930 – 2015).
Sau khi Tỉnh ủy ban hành đề án, Ban Thường vụ Thành ủy thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án, phân công đồng chí Phó Bí thư Thường trực làm trưởng ban; ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng Đảng ủy 11/11 phường, xã thành lập ban chỉ đạo do đồng chí bí thư đảng ủy làm trưởng ban chỉ đạo; triển khai sưu tầm, khai thác tư liệu phục vụ nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ của địa phương đảm bảo chất lượng, theo đúng lộ trình đề án Tỉnh ủy đề ra.
Để đảm bảo tiến độ, chất lượng các cuốn lịch sử Đảng bộ, Ban Chỉ đạo, Ban Tuyên giáo Thành ủy thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi tiến độ thực hiện tại các đơn vị, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc; các xã, phường tổ chức thực hiện theo lộ trình. Quý I/2023 hoàn thành xuất bản 2 cuốn lịch sử Đảng bộ phường Hợp Giang và xã Vĩnh Quang. Theo mục tiêu của đề án giai đoạn 2021 – 2025, Thành phố hoàn thành nghiên cứu, biên soạn bản thảo 11/11 cuốn lịch sử Đảng bộ xã, phường; năm 2023 tiếp tục nghiên cứu, biên soạn cuốn lịch sử Đảng bộ phường Ngọc Xuân và Sông Hiến; các xã, phường còn lại phấn đấu hoàn thành trước năm 2025.
Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bế Thanh Tịnh đề nghị Thành phố cần xây dựng kế hoạch và đưa công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ địa phương vào nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị; chỉ đạo các địa phương chủ động, quyết liệt hơn trong quá trình triển khai thực hiện, củng cố lực lượng tham gia nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu, đảm bảo các tài liệu đưa vào nội dung cuốn lịch sử phải chính xác, đúng sự thật. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân ngay sau khi công bố phát hành cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương. Các cơ quan, đơn vị phối hợp giúp các địa phương tuyên truyền việc đẩy mạnh xã hội hóa để hỗ trợ thực hiện đề án theo lộ trình đề ra.
Lã Tùng