Ngành công nghiệp vũ khí của Bulgaria chưa bao giờ chứng kiến đà phát triển mạnh như hiện nay với mức xuất khẩu ước tính đạt 4,3 tỷ USD vào năm 2022 (khoảng 4 tỷ euro), gấp 3 lần kỷ lục trước đó.
Nhà sản xuất vũ khí lâu đời nhất của nước này, công ty Arsenal, hiện đã có 7.000 công nhân tại nhà máy ở Kazanlak nhưng thậm chí đang đưa ra những ưu đãi tốt nhất để thu hút thêm nhân lực, trong đó có cả việc hứa hẹn về quyền lợi hấp dẫn như nghỉ mát ở biển. Công ty còn kêu gọi những người Bulgaria đang làm việc ở nước ngoài trở về nước.
“Khi tuyển dụng chúng tôi, họ nói rằng có nhiều đơn hàng đến mức chúng tôi sẽ phải bận rộn trong ít nhất 5 năm”, một trong những công nhân mới được tuyển dụng làm việc ở công ty này cho biết. “Bản thân tôi mới đến đây được một tuần, nhưng tôi đã có ba đồng nghiệp mới”, người phụ nữ giấu tên nói thêm.
Mặc dù Bulgaria hầu như không gửi vũ khí cho Ukraine, nước này là nơi sản xuất vũ khí quan trọng trong khu vực. Các nước láng giềng Romania và Ba Lan thường xuyên đặt hàng mua lại vũ khí của Bulgaria rồi chuyển đến cho Kiev.
Trước đó, Kazanlak và thung lũng hoa hồng xung quanh nó, nơi nổi tiếng với sản phẩm nước hoa hồng, đã hứng chịu thiệt hại nặng nề khi các nhà sản xuất vũ khí của họ mất thị trường sau khi Liên Xô sụp đổ, dù các cuộc xung đột ở Trung Đông làm hồi sinh nhu cầu về các loại vũ khí giá rẻ và chắc chắn như AR-M1, súng trường “Bulgary Kalashnikov” Bulgaria vào những năm 2010.
Yordan Ignatov, phó Chủ tịch Phòng thương mại địa phương, cho biết đà phát triển chóng mặt của nhà máy Arsenal lần này có lợi cho cả thành phố. “Năm ngoái, Kazanlak có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất toàn quốc sau thủ đô Sofia”, ông nói, và cho biết thêm “con số này chỉ bằng một nửa mức trung bình toàn quốc”.
Đầu tư cũng đang bùng nổ ở thành phố này. “Mọi ngôi nhà mới mọc lên đều được mua ồ ạt”, nhân viên môi giới bất động sản Teodor Tenev nói.
Bulgaria chuyên sản xuất đạn dược cho vũ khí thời Liên Xô, những loại mà Kiev sử dụng nhiều nhất trên chiến trường hiện nay, dù Sophia đang muốn hiện đại hóa các cơ sở sản xuất cũ kỹ của mình bằng nguồn tiền đổ vào từ châu Âu để bắt đầu sản xuất đạn tiêu chuẩn NATO và các loại đạn khác.
Và có thêm nhiều tin tốt hơn trong đầu tuần này khi ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) nhất trí kế hoạch mua đạn pháo trị giá 2 tỷ USD để cung cấp cho Ukraine. Mặc dù được hưởng lợi rất nhiều từ thỏa thuận này, Sofia không ký vào tuyên bố chung.
Để thúc đẩy thỏa thuận này, Ủy viên thị trường nội bộ EU Thierry Breton tuần trước thăm các nhà máy vũ khí ở Bulgaria. Trên đường từ Kazanlak ở Sopot, ông Breton đến thăm nhà sản xuất vũ khí lớn nhất đất nước, VMZ. Nhà máy thuộc sở hữu nhà nước này mới bổ sung thêm dây chuyền sản xuất loại đạn pháo 155mm mà quân đội Ukraine đang cần.
Cung cấp vũ khí cho Ukraine là một vấn đề gây tranh cãi ở Bulgaria. Quốc hội Bulgaria cho đến nay chỉ cho phép vận chuyển một chuyến vũ khí hạng nhẹ và đạn dược tới Kiev.