Theo Sở Y tế TP.HCM, từ ngày 22.5 – 28.5, thành phố ghi nhận 157 ca bệnh tay chân miệng, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và các trường hợp khám ngoại trú.
Bệnh đang có xu hướng gia tăng
Ngày 1.6, bác sĩ Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, cho biết hiện tại mỗi ngày bệnh viện điều trị từ 20-30 ca bệnh nội trú tay chân miệng. Bệnh đang có xu hướng gia tăng nhanh trong 2 tuần gần đây.
“Đây là thời điểm nắng nóng, các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp gia tăng trong đó có nhóm tay chân miệng. Khoa cũng đã ghi nhận những ca bệnh nặng, biến chứng về thần kinh cần theo dõi sát và điều trị tích cực”, bác sĩ Lưu chia sẻ.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 1.349 lượt điều trị ngoại trú, 158 bệnh nhân điều trị nội trú bệnh tay chân miệng. Cho đến thời điểm hiện tại, số liệu thống kê cho thấy số lượng bệnh tay chân miệng không tăng so với năm 2022, nhưng số bệnh nhân nặng tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết hiện bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho 15 trường hợp, trong đó 1 ca nặng độ 3, 2 ca độ 2B.
Trước đó, ngày 31.5 tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng ghi nhận một ca tử vong nghi do tay chân miệng. Ngày 30.5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cũng báo cáo về 1 trường hợp bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng
Theo bác sĩ Quy, bệnh tay chân miệng đa phần có diễn biến nhẹ nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng như viêm não, viêm cơ tim dẫn đến suy hô hấp, tử vong.
“Tuy nhiên trước khi đi đến các biến chứng nặng sẽ có những biểu hiện phụ huynh có thể phát hiện để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời như như sốt không hạ, ngủ giật mình chới với nửa đêm”, bác sĩ Quy lưu ý.
Về vấn đề thuốc điều trị, theo bác sĩ Quy hiện bệnh viện đang thiếu các thuốc điều trị như phenobarbital truyền tĩnh mạch, IVIVG. Bệnh viện đang dùng các thuốc uống thay thế cho bệnh nhân, theo sát các dấu hiệu diễn tiến bệnh.
Các dấu hiệu cần chú ý để phát hiện bệnh sớm
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết hiện bệnh viện đang điều trị nội trú 4 ca bệnh tay chân miệng. Đây cũng là thời điểm bắt đầu vào mùa bệnh tay chân miệng nên phụ huynh cần chú nếu trẻ có dấu hiệu sốt, không đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt khó hạ. Chú ý các biểu hiện bóng nước hồng ban lòng bàn tay, chân, mông, gối, vết loét miệng… để kịp thời phát hiện sớm bệnh tay chân miệng, điều trị kịp thời.
“Khi có dấu hiệu nổi hồng ban mụn nước, loét trong miệng cần đưa đi khám ngay, đây là các dấu hiệu dễ nhận biết nhất. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên chú ý các dấu hiệu cần cảnh giác như trẻ bỏ ăn, quấy khóc, chảy nước miếng… Đối với trẻ đã được chẩn đoán tay chân miệng cần chú ý các biểu hiện như sốt liên tục khó hạ, bé ngủ dễ giật mình, giật mình 2 lần trong 30 phút hoặc 3 lần trong 1 tiếng, rung tay chân, ói nhiều, thở mệt…”, bác sĩ Trần Ngọc Lưu chia sẻ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm, thường gặp ở trẻ nhỏ nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, thời điểm dịch bùng phát thường vào khoảng từ tháng 3-5 và tháng 8-9 hằng năm.
Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.