(ABO) Sáng 1-6, Ban Pháp chế – HĐND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, thẩm tra của HĐND các cấp trong lĩnh vực phụ trách của Ban Pháp chế – HĐND tỉnh”.
Quang cảnh hội thảo |
Các đồng chí: Nguyễn Hữu Lợi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Kim Nhung, Trưởng Ban Pháp chế và Phan Thị Phương, Phó Trưởng Ban Pháp chế – HĐND tỉnh chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo còn có các đồng chí Thái Ngọc Bảo Trâm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang; Nguyễn Thị Sáng, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo HĐND các huyện, thành phố, thị xã…
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Nhung phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Thị Kim Nhung cho biết, trong thời gian qua, chất lượng giám sát của HĐND các cấp không ngừng được nâng lên; nhiều nội dung giám sát được HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh lựa chọn mang tính toàn diện, tập trung vào việc đảm bảo tính đúng đắn trong thi hành Hiến pháp và pháp luật; đảm bảo các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và quần chúng nhân dân.
Đồng thời, tập trung khảo sát, giám sát những vấn đề bức xúc được đông đảo cử tri quan tâm kiến nghị, phản ánh. Sau mỗi chuyên đề giám sát, các chủ thể giám sát đã chỉ ra những mặt tích cực, mặt hạn chế liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; đánh giá nguyên nhân của hạn chế và kiến nghị các biện pháp khắc phục. Hầu hết các kiến nghị sau giám sát đã được các cấp chính quyền, các cơ quan có liên quan chấp nhận và có giải pháp khắc phục, tạo ra mối quan hệ phối hợp, sự đồng thuận cao giữa HĐND với các cơ quan chịu sự giám sát.
Đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo. |
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, hoạt động giám sát, thẩm tra của HĐND các cấp còn những khó khăn, hạn chế nhất định.
Hội thảo lần này, Ban Pháp chế – HĐND tỉnh mong nhận được nhiều giải pháp hay, những kiến nghị phù hợp với tình hình thực tế đối với những vướng mắc từ những văn bản của trung ương, hoạt động thực tiễn ở địa phương, qua đó nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, thẩm tra trong thời gian tới.
Đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều tham luận đánh giá thực trạng hoạt động giám sát, thẩm tra lĩnh vực pháp chế như: Xem xét việc trả lời chất vấn của những người bị chất vấn; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thẩm tra báo cáo của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan Thi hành án dân sự. Xem xét quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp. Giám sát về việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách; giám sát chuyên đề xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện Tân Phước…
Đại biểu cũng đã trao đổi, nhận diện các yếu tố có tác động, chi phối đến chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề, thẩm tra trong lĩnh vực pháp chế thời gian qua… Đồng thời, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, đề xuất nhiều giải pháp trong công tác tổ chức thực hiện các chương trình giám sát, thẩm tra cũng như giám sát các kiến nghị của cử tri; công tác thẩm tra báo cáo lĩnh vực phòng, chống tội phạm tham nhũng…
Đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện giám sát, thẩm tra. |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi ghi nhận và đánh giá cao các nội dung mà các đại biểu đã trao đổi, nhất là những kinh nghiệm trong hoạt động giám sát, thẩm tra đề xuất nhiều giải pháp khả thi như: Nghiên cứu việc tổ chức hoạt động chất vấn tập trung vào các vấn đề cử tri quan tâm, hiệu quả; tăng cường giám sát lời hứa của người được chất vấn tại các kỳ họp của HĐND tỉnh. Việc tổ chức tập huấn cho đại biểu HĐND cấp huyện, xã; việc bố trí thành phần tham gia giám sát… nhằm nâng cao chất lượng giám sát, thẩm tra nói riêng và hiệu quả công tác của HĐND ở mỗi địa phương trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi phát biểu tại hội thảo. |
Theo Ban Pháp chế – HĐND tỉnh, các ý kiến tại hội thảo giúp cho Thường trực HĐND tỉnh, HĐND cấp huyện bổ sung nguồn dữ liệu, từ đó có giải pháp, để định hướng thực hiện các nhiệm vụ của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ này, hoàn thiện các nội dung về hoạt động giám sát, thẩm tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cũng như thực tiễn phát sinh, nhằm nâng cao chất lượng giám sát, thẩm tra nói riêng và hiệu quả công tác của HĐND ở mỗi địa phương trong thời gian tới.
HOÀI THU
.