Sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra tương đối ổn định, song, vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại do tình hình kinh tế khó khăn, sức mua chậm, giá bán không ổn định, trong khi giá các loại vật tư đầu vào vẫn tăng ở mức cao. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh các cấp chính quyền, ngành chức năng, đặc biệt là ngành Nông nghiệp đang tích cực vào cuộc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Việc tiêu thụ và giá bán thanh long trên địa bàn xã Vân Trục (Lập Thạch) nhiều năm qua vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Ảnh: Chu Kiều
Là tỉnh có thế mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lại được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, Vĩnh Phúc có nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng, phong phú.
Hằng năm, ngành Nông nghiệp tỉnh sản xuất ra khoảng 320 nghìn tấn lúa, 240 nghìn tấn rau các loại, 60 nghìn tấn trái cây (chuối, thanh long, bưởi), 5,7 nghìn tấn thịt bò hơi, 75 nghìn tấn thịt lợn hơi, 37 nghìn tấn thịt gia cầm, 620 triệu quả trứng, 1,9 nghìn tấn thủy sản.
Sản lượng nông sản trên đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, ngoài ra, một số sản phẩm như rau các loại, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm còn được cung ứng ra thị trường các tỉnh trong khu vực.
Sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra tương đối ổn định, song, vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại do tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến sức mua chậm, giá bán không ổn định, trong khi đó giá các loại vật tư đầu vào tăng, và vẫn ở mức cao.
Đây chính là nguyên nhân, không khuyến khích được người dân đầu tư, mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản và chế biến còn hạn chế; liên kết giữa doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ nông dân chưa chặt chẽ, tính bền vững chưa cao dẫn đến hiệu quả thấp.
Tìm hiểu thực tế tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản tại xã Vân Trục (Lập Thạch) được biết, thanh long ruột đỏ là cây trồng chủ lực trên địa bàn xã, với tổng diện tích sản xuất hơn 50ha.
Chưa có tình trạng ùn ứ thanh long sau thu hoạch nhưng việc tiêu thụ và giá bán phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Giá bán thanh long hiện dao động từ 20 – 50 nghìn/kg, tùy thuộc vào chất lượng trái cây, mùa vụ.
Theo ông Vũ Đình Thọ, Chủ tịch UBND xã Vân Trục, thúc đẩy mở rộng sản xuất thanh long trên địa bàn xã Vân Trục nói riêng và huyện Lập Thạch nói chung, tỉnh, huyện cần tiếp tục hỗ trợ người dân về trụ đỡ, hom giống, phân bón… nhưng cái chính là phải tổ chức cho người dân liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi để tránh tình trạng thương lái ép giá, đảm bảo đầu ra khi diện tích được mở rộng.
Ngoài ra, cần sớm hỗ trợ người dân xây dựng kho lạnh bảo quản nông sản sau thu hoạch và cải thiện nguồn nước phục vụ sản xuất, chăm sóc cây trồng.
Người chăn nuôi trên địa bàn hiện cũng đang gặp không ít khó khăn do tình hình kinh tế khó khăn bởi sức mua giảm, trong khi đó giá các loại vật tư đầu vào, nhất là giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng mạnh và hiện vẫn ở mức cao.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tăng trưởng, phát triển ổn định, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, đặc biệt là ngành Nông nghiệp, Công thương đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và thương mại điện tử; phát triển, đa dạng hóa chuỗi cung ứng vật tư đầu vào và thị trường tiêu thụ nông sản.
Tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính không thật cần thiết trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển DN trong nông nghiệp, thu hút DN đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng DN ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu.
Thúc đẩy phát triển hợp tác xã và các mô hình hợp tác trong nông nghiệp; nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, DN và các tổ chức tín dụng.
Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng đa giá trị, quy mô lớn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tuần hoàn, phát thải thấp, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có sức cạnh tranh cao.
Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch giúp nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Đa dạng hoá sản phẩm nông sản, đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến tinh nhằm khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, phụ thuộc mùa vụ và nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản.
Cùng đó, yêu cầu các lực lượng chức năng kiểm soát tốt vật tư đầu vào, tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng, giá cả hợp lý, ngăn chặn nguồn thực phẩm nhập lậu trái phép gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước, trên địa bàn.
Trần Tỉnh