Theo Devdiscourse, thông tin khách hàng ở các khu vực nói trên có thể được truy cập từ bên ngoài, bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email, số nhận dạng và số đăng ký xe. Vụ việc được đưa ra sau thông báo trong tháng 5 từ Toyota cho biết dữ liệu phương tiện của 2,15 triệu khách hàng ở Nhật Bản hoặc gần như toàn bộ cơ sở khách hàng đã đăng ký các nền tảng dịch vụ đám mây của công ty từ năm 2012 đã được công khai trong một thập kỷ do lỗi con người. Quá trình phát hiện được cho là tình cờ, bắt nguồn từ việc kiểm tra dịch vụ từ ngày 7.4.
Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính theo doanh số cho biết vấn đề mới nhất được phát hiện khi họ tiến hành một cuộc điều tra rộng rãi về môi trường đám mây do Toyota Connected quản lý sau sự cố rò rỉ tại Nhật Bản. Theo công ty, sự cố phát sinh do lỗi cài đặt trong môi trường đám mây, nơi Toyota lưu trữ dữ liệu khách hàng do các đại lý nước ngoài thu thập để xử lý và quản lý kiểm tra bảo dưỡng xe.
Một phát ngôn viên Toyota nói hãng đang điều tra vấn đề dựa trên luật pháp và quy định của mỗi quốc gia. Công ty không cho biết có bao nhiêu khách hàng bị ảnh hưởng bởi vụ việc, họ sống ở quốc gia nào và liệu khách hàng của thương hiệu Lexus sang trọng có bị ảnh hưởng hay không.
Thông qua Toyota Connected, phần lớn thuộc sở hữu của Toyota, công ty cung cấp các giải pháp di động cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, chẳng hạn như chức năng chìa khóa thông minh, hướng dẫn tuyến đường dựa trên vị trí và dịch vụ thông tin tắc nghẽn giao thông.
Công ty cũng trấn an rằng chỉ một phần thông tin của khách hàng có thể được truy cập từ bên ngoài. Bên cạnh đó, Toyota đã điều tra xem liệu có bất kỳ bên thứ ba nào sao chép hoặc sử dụng dữ liệu khách hàng của công ty hay không và không tìm thấy bằng chứng cho việc này.