Trên thị trường, thuốc lá điện tử được quảng cáo là sản phẩm thay thế ‘an toàn hơn’ khiến người dùng nghĩ rằng chúng ‘ít gây hại’ hơn các sản phẩm thuốc lá điếu. Tuy nhiên, sự thật không phải vậy.
Bên cạnh các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khoẻ và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác. |
Thuốc lá điện tử (ENDs) là thiết bị sử dụng pin làm nóng dung dịch điện tử (e- liquid) để tạo ra sol khí/khói cho người dùng hít vào, chứa chất tạo mùi, hòa tan trong Propylene Glycol hoặc/và Glycerin. Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử có chứa nicotin là một hoá chất gây nghiện cao.
Hiện nay, thuốc lá điện tử đang được tiếp thị và quảng cáo là sản phẩm thay thế “an toàn hơn”, khiến người dùng nghĩ rằng, chúng “ít gây hại” hơn các sản phẩm thuốc lá điếu. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã cho thấy, thuốc lá điện tử tạo ra các hóa chất độc hại giống như thuốc lá truyền thống, kèm theo các phụ gia hương liệu và kim loại nặng. Dưới đây là một số quan niệm không đúng về thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường: Sai
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện.
Bằng chứng cho thấy, thuốc lá điện tử không những không giúp cai thuốc lá mà còn khiến người chưa hút thuốc bị nghiện nicotin. Những người trẻ chưa từng hút thuốc lá điếu thông thường nhưng sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ nghiện thuốc lá cao gấp 2-3 lần so với những người chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường: Sai
Theo Tổ chức Y tế thế giới, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, vẫn là sản phẩm gây nghiện.
Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2, là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa…
Trong báo cáo tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 6 và 7 (COP 6 và 7) đã nêu rõ, “tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá.
Cũng tại hội nghị này, WHO kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá được quy định trong Công ước khung thay vì sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới được quảng cáo là ít có hại.
Tại COP 8, tổ chức này đã khuyến cáo rằng, việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới tình trạng nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ. WHO yêu cầu các bên tham gia cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm lưu hành.
Theo báo cáo của WHO, hiện nay đã có ít nhất 34 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử.
7 thị trường gồm Australia, Chile, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và Venezuela cho phép lưu hành thuốc lá điện tử nhưng vẫn áp dụng quy định quản lý chặt chẽ, như cấp phép dược phẩm, quy định mặt hàng này dưới dạng sản phẩm cai nghiện nicotine và cần thẩm định cấp giấy phép.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có sản phẩm thuốc lá nào được cấp phép lưu hành tại 7 thị trường trên vì chưa có bất kỳ sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn cấp phép lưu hành.
Đặc biệt ở Australia, nicotine vẫn nằm trong danh mục “chất độc dược” và chỉ được sử dụng khi có giấy phép. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.