Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Thương mại Việt Vương, huyện Mỏ Cày Bắc.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 88 ngàn tỷ đồng
Qua gần 3 năm thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ Sở Công Thương, ngành công thương đã đạt kết quả ghi nhận. Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện trong nửa đầu nhiệm kỳ đạt 88.200 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 5,63%/năm (NQ 17,4%/năm). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 141.894 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 8,42%/năm (NQ 17,2%/năm). Kim ngạch xuất khẩu đạt 3.551 triệu USD, tăng trưởng bình quân 6,45%/năm (NQ 13,2%).
Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển mới khoảng 141 doanh nghiệp (DN), với ngành nghề chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm, nông sản, may mặc, điện… với tổng vốn đăng ký khoảng 3.005 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 4.900 lao động. Các huyện, thành phố đang tích cực kêu gọi đầu tư hạ tầng cũng như đề xuất các giải pháp để bố trí, huy động nguồn vốn, nhằm phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn quản lý. Đến nay, có 9 CCN được thành lập, với tổng diện tích 329,3ha. Có 4 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động. Các CCN có 27 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn khoảng 7.833 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.933 lao động, trong đó có 13/27 dự án đi vào hoạt động.
Các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nước ngoài thông qua các kênh: Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ Ngoại giao… bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Định hướng thời gian tới, Đảng bộ Sở Công Thương tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt vai trò làm tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công Thương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu NQ Đại hội đề ra. Tập trung triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng DN của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng CCN An Hòa Tây, CCN Sơn Quy và giao đất.
Nông nghiệp phát triển ổn định
Qua nửa nhiệm kỳ tổ chức thực hiện NQ Đại hội Đảng bộ Sở NN&PTNT, tình hình sản xuất nông nghiệp (NN) của tỉnh giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, toàn diện. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra theo xu hướng tích cực: Khu vực I đạt 35,37%. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của ngành NN trong giai đoạn 2020 – 2022 tăng bình quân 3,2%/năm, đạt 91,4% so với mục tiêu NQ. Đến nay, có 10/23 chỉ tiêu đạt và vượt; 7/23 chỉ tiêu đạt trên 50%; 3/23 chỉ tiêu đang thực hiện; còn 2 chỉ tiêu đạt thấp là số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu và xây dựng huyện đạt chuẩn NTM.
Tiếp tục quan tâm phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, nông sản, may mặc, điện.
Toàn ngành NN đã tập trung triển khai thực hiện đạt kết quả bước đầu Đề án tái cơ cấu ngành NN, theo hướng chất lượng, an toàn, nâng cao giá trị sản xuất theo chuỗi giá trị. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn 53 triệu đồng (tăng 13 triệu đồng so với cuối năm 2020).
Tổng số xã xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh hiện nay là 139 xã. Lũy kế đến nay, tổng số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh 80 xã, trong đó có 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (được công nhận trong 2 năm 2021 – 2022). Trong 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 2 xã tại 2 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (công nhận trong năm 2022).
Định hướng nửa nhiệm kỳ còn lại, Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho biết: Sở tập trung triển khai thực hiện tốt Kết luận số 359-KL/TU, Kế hoạch cơ cấu NN gắn với xây dựng NTM; Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Quyết định số 150/QĐ-TTg, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các chính sách có liên quan đến lĩnh vực NN, nông dân và xây dựng NTM; khuyến khích DN đầu tư vào NN, nông thôn, kết hợp sản xuất NN với du lịch và các loại hình dịch vụ khác. Tập trung cơ cấu lại ngành NN bảo đảm đồng bộ, khả thi với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng NTM. Đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản gắn với hoàn thiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, tích hợp, xây dựng các mô hình DN xanh, DN tuần hoàn.
“Ngành NN rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch NTM ở tất cả các địa phương, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Tiếp tục phát triển Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và cấp chứng nhận, nâng hạng các sản phẩm OCOP. Tiếp tục quan tâm củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Tăng cường giám sát, quản lý mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; quản lý, khai thác, phát triển các nhãn hiệu đã được xây dựng và bảo hộ. Quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm chấm đứt tình trạng khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài”.
(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)
|
Bài, ảnh: Cẩm Trúc