17:39, 30/05/2023
Tại loạt cuộc họp cấp bộ trưởng thương mại ở Detroit (Mỹ) vào cuối tuần trước, Hàn Quốc một lần nữa đã đưa ra lập trường thận trọng trong bối cảnh cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung đang nóng lên.
Theo tờ Korea Times, sau cuộc họp của các bộ trưởng thương mại tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) hôm 25 – 26/5, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra thông cáo báo chí không đề cập đến mối quan hệ hợp tác công nghiệp bán dẫn với Trung Quốc. Thông tin trên được đưa ra sau khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng các bộ trưởng thương mại của hai nước đã thảo luận về vấn đề này trong cuộc họp.
Thay vào đó, thông cáo báo chí cho biết Bộ trưởng Thương mại Ahn Duk-geun đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào và thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế của hai nước dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Ahn Duk-geun (thứ bảy từ trái sang) chụp ảnh cùng những người tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng tại Detroit. Ảnh: Korea Times |
“Ông Ahn đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ thương mại hòa bình, ổn định nguồn cung nguyên liệu và linh kiện cốt lõi. Ông cũng đề nghị hợp tác với Trung Quốc nhằm hình thành một môi trường kinh doanh có thể dự đoán được cho các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Trung Quốc”, thông cáo viết.
Mặc dù Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố rằng các bộ trưởng đã đồng ý tăng cường đàm phán và hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, một quan chức Bộ Thương mại Hàn Quốc nói rằng Bắc Kinh chỉ đề cập đến sự cần thiết của mối quan hệ hợp tác đó mà không đạt được thỏa thuận với Seoul.
Trong khi đó, giới chức trong ngành công nghệ giải thích rằng thông báo đơn phương của Bắc Kinh là một phần trong nỗ lực thu hút các nhà sản xuất chip Hàn Quốc, khi Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ về chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Tuần trước, Chính phủ Hàn Quốc cũng bác bỏ thông tin cho rằng nước này đã “bật đèn xanh” cho Samsung Electronics và SK hynix để lấp đầy khoảng trống do lệnh cấm của Trung Quốc đối với nhà sản xuất chip Micron Technology của Mỹ, trong bối cảnh Quốc hội Mỹ đang kêu gọi Hàn Quốc không “lợi dụng” tình huống này.
Ảnh minh họa: AFP |
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại, khoảng 40% xuất khẩu chip của Hàn Quốc là sang Trung Quốc. Trong khi đó, công nghệ và thiết bị của Mỹ rất cần thiết đối với các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói rằng Washington sẽ không “dung thứ” cho lệnh cấm và nước này đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh – bao gồm cả Hàn Quốc – để giải quyết tình trạng. Bà Raimondo đã đưa ra tuyên bố trên sau cuộc họp cấp bộ trưởng các thành viên của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF) tại Detroit hôm 27/5.
Sau cuộc họp, 14 thành viên trong khuôn khổ IPEF, bao gồm cả Hàn Quốc, đã công bố kết luận quan trọng của các cuộc đàm phán về Thỏa thuận chuỗi cung ứng IPEF quốc tế đầu tiên.
Theo đó, các quốc gia đã đồng ý cải thiện phối hợp khủng hoảng, ứng phó với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và làm việc cùng nhau để hỗ trợ vận chuyển kịp thời hàng hóa bị ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng. Các thành viên cũng quyết định thành lập Hội đồng chuỗi cung ứng để tạo điều kiện hợp tác giữa các đối tác IPEF về các vấn đề chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, thỏa thuận của các thành viên IPEF không bao gồm các điều khoản như “tách rời” hoặc “giảm rủi ro”. Chính phủ Hàn Quốc cũng nhấn mạnh thỏa thuận không bao gồm các yếu tố có thể gây phản ứng từ Trung Quốc.
“Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của 10 trong số 14 quốc gia thành viên IPEF. Hàn Quốc và Trung Quốc là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của nhau, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh”, một quan chức Bộ Thương mại nói.
Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc, đã tăng cường nỗ lực hạn chế Trung Quốc tiếp cận những bí quyết bán dẫn quan trọng. Lĩnh vực công nghệ này đã trở thành chiến trường khốc liệt về an ninh quốc gia giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với việc Washington đưa công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen, cắt đứt dòng chảy các bộ vi xử lý tinh vi và cấm công dân của mình hỗ trợ nhất định cho ngành công nghiệp chip Trung Quốc.
Về phần mình, vào tuần trước, Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc cho biết một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất của Mỹ là Micron đã không vượt qua được đánh giá an ninh mạng. Phía Trung Quốc cho biết họ sẽ chặn các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng mua hàng từ công ty. Mỹ đã thúc đẩy các quốc gia hạn chế quyền truy cập của Trung Quốc vào các chip tiên tiến, viện dẫn một loạt lý do bao gồm cả an ninh quốc gia.
Trong diễn biến liên quan, ngày 27/5, Mỹ và Nhật Bản đã cam kết hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực chip. Hai nước đã đồng ý làm việc cùng nhau để xác định và giải quyết tình trạng tập trung sản xuất theo địa lý làm suy yếu khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Họ cũng cam kết tăng cường chuỗi cung ứng bằng cách hợp tác với các nước mới nổi và đang phát triển để mở rộng sản xuất chip cũng như giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong công nghiệp chất bán dẫn.
Theo TTXVN/Tintuc