Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đồng Khởi. Ảnh: T. Ân
* Phóng viên: Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, xin đồng chí đánh giá kết quả cũng như khó khăn, thách thức trong nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh?
– Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam: Nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 – 2025 trong bối cảnh có nhiều điều kiện thuận lợi và đan xen khó khăn, thách thức. Khó khăn trước hết là tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Giá cả của nhiều mặt hàng nông thủy sản không ổn định, nhất là giá dừa giảm rất sâu và rất lâu, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế – xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống người dân, nhất là người trồng dừa trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, diễn biến của tình hình thế giới tác động không nhỏ đến việc phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là đối với những ngành hàng xuất khẩu thế mạnh. Khó khăn bao trùm trong hơn nửa nhiệm kỳ qua là dịch Covid-19 làm cho kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn, đình trệ.
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh có 9/22 chỉ tiêu về kinh tế – xã hội đạt và sắp đạt. Đa số các chỉ tiêu đạt từ 50% trở lên và một số chỉ tiêu đạt thấp. Một điều rất đáng mừng là từ năm 2020 cho đến cuối năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 nhưng kinh tế của tỉnh không bị tăng trưởng âm. Đặc biệt, năm 2022 tăng trưởng khá cao với 7,23%.
Một thành công nữa là tỉnh đã đoàn kết vượt qua đại dịch Covid-19. Tập trung chăm lo đời sống người dân, đặc biệt là công tác an sinh xã hội. Thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp theo sự chỉ đạo của Chính phủ.
Mặc dù trong tình hình khó khăn nhưng tỉnh đã kêu gọi được rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh trên các ngành nghề, lĩnh vực. Tỉnh đã ký kết với 10 nhà đầu tư chiến lược và nhiều nhà đầu tư khác đến đầu tư tại tỉnh. Hiện tại tỉnh có tất cả 19 dự án về điện gió, 35 dự án về phát triển đô thị; 2 dự án phát triển hydro xanh đang chuẩn bị để đầu tư vào tỉnh. Đây là cơ sở, tiền đề cho sự đột phá phát triển trong những năm còn lại của nhiệm kỳ và các nhiệm kỳ sau.
Tỉnh đang triển khai nhiều công trình, dự án lớn như: Dự án cầu Rạch Miễu 2; chuẩn bị khởi công dự án cầu Đình Khao, dự án đường ven biển. Ngoài ra, còn thực hiện nhiều dự án thủy lợi Nam – Bắc Bến Tre để tạo vùng ngọt hóa đảm bảo an toàn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đó là những dự án tạo ra động lực cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai. Các lĩnh vực về văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh tỉnh đảm bảo thực hiện tốt.
* Một số kinh nghiệm trong triển khai thực hiện nghị quyết?
– Trong điều kiện tỉnh có nhiều khó khăn, thách thức như dịch Covid-19, hạn mặn… thì rất cần sự đoàn kết thống nhất cao trong đảng bộ và toàn hệ thống chính trị. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần phối hợp chặt chẽ với nhau, của cấp mình, ngành mình, thậm chí bọc lót nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải năng động, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình chung và thực tế phát sinh tại địa bàn. Lãnh đạo, điều hành vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế linh hoạt. Điển hình như tỉnh vừa lãnh đạo phòng chống dịch Covid-19 nhưng cũng vừa tạo điều kiện cho các công trình điện gió thi công, hoàn thành và được đấu nối kịp thời để hưởng giá điện ưu đãi theo quy định của Chính phủ. Hay trong quá trình lãnh đạo, điều hành, thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là rất nghiêm nhưng vẫn tạo điều kiện cho triển khai các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt. Nếu tỉnh không làm tốt các khâu này thì sẽ gặp “khó khăn kép”, vừa phải phòng chống dịch vừa phải phòng chống hạn mặn rất khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân.
* Trong thời gian tới, các nhiệm vụ, giải pháp đột phá cần tập trung để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, thưa đồng chí?
– Về các giải pháp đột phá, trước hết, tỉnh tập trung những chỉ tiêu còn thấp để có nhiều giải pháp hiệu quả hơn. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết phát triển tỉnh về hướng Đông. Đây là nghị quyết đột phá phát triển tỉnh trong tương lai. Trong đột phá về phát triển kinh tế, tập trung vào 3 lĩnh vực: công nghiệp, đô thị và hạ tầng kinh tế – xã hội. Tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp, coi nông nghiệp là trụ đỡ dẫn dắt, làm nền tảng cho phát triển kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó là phát triển du lịch, thương mại – dịch vụ.
Về công nghiệp, tập trung lĩnh vực công nghiệp chế biến nông thủy sản là thế mạnh của tỉnh. Tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió, hydro xanh. Đây là những công trình, dự án lớn, trong đó 2 dự án hydro xanh sẽ tạo bước đột phá vì có mức đầu tư rất lớn. Phát huy các khu, cụm công nghiệp đã hoàn thành. Tiếp tục triển khai các khu, cụm công nghiệp đã có định hướng, trong năm 2023, phải hoàn thành cho được Khu công nghiệp Phú Thuận, để kêu gọi đầu tư.
Về đô thị, hiện tỉnh đã có 35 dự án đô thị, trong đó phần lớn ở TP. Bến Tre với trên 20 dự án. Hiện nay, một số dự án đã được đấu thầu chọn lựa nhà đầu tư. Có thể nói, các dự án đô thị sẽ làm động lực cho sự phát triển tỉnh kéo theo các ngành nghề khác cùng phát triển.
Về phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng hệ thống giao thông, nước. Trong giao thông phải hoàn thành cho được cầu Rạch Miễu 2 vào năm 2025; sắp tới sẽ khởi công cầu Đình Khao, tập trung khởi động tuyến động lực ven biển phục vụ chủ trương phát triển tỉnh về hướng Đông. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông nội tỉnh, đường giao thông vào các khu, cụm công nghiệp để thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư phát triển tỉnh trong tương lai.
* Xin cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh!
Hữu Hiệp (thực hiện)