Quang cảnh Quốc hội thảo luận ở hội trường về phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước
– Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, ngày 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH tập trung cho ý kiến về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cải thiện thị trường tài chính, trái phiếu, bất động sản, chứng khoán, khôi phục sản xuất, kinh doanh…
Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại hội trường về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với nhận định, đánh giá về khó khăn hạn chế trong năm 2022, những tháng đầu năm 2023 và 11 nhóm giải pháp chính trong những tháng cuối năm 2023 được thể hiện trong trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Tham gia một số ý kiến đối với nội dung tốc độ tăng trưởng, đại biểu Triệu Quang Huy cho rằng: Tốc độ tăng GDP năm 2022 đạt 8,02% so với năm trước, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua, tuy nhiên chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, chỉ tiêu là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, gây áp lực điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 6,5%. Tăng trưởng GDP quý I/2023 rất thấp (tăng 3,32% so với cùng kỳ), các động lực chính của tăng trưởng như: xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là sản xuất công nghiệp đều giảm và đang trên đà suy yếu, thu hút vốn FDI 4 tháng giảm gần 18% so với cùng kỳ, lãi suất cho vay cao.
Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới, thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất, tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, khai thác hiệu quả các thị trường, mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa ngành, sản phẩm, phát triển những ngành, lĩnh vực tỉnh có thế mạnh. Cùng với đó đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền số, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành hướng tới sự hiệu quả, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Đối với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu cho rằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo đánh giá còn chậm, áp lực giải ngân, khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm 2023 là rất lớn. Đây là một trong những điểm nghẽn tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, quan tâm đến các giải pháp cải cách hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; tháo gỡ những khó khăn trong giải phóng mặt bằng; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.