Theo công bố mới đây của Bộ Nội vụ về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022, Vĩnh Phúc đứng 7/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Kết quả trên đã phần nào minh chứng cho những nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền Vĩnh Phúc trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; thực hiện mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Người dân thanh toán trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Dương Chung
Nhằm đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, huyện Lập Thạch đã quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) tại các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); chú trọng tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức.
Qua đó, từng bước thay đổi cách thức làm việc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn từ phương thức thủ công sang môi trường điện tử, giúp nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ; bảo đảm rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.
Trao đổi về những nỗ lực CĐS trong thực hiện nhiệm vụ tại UBND xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thiệu Hà cho biết: “Việc sử dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành, xử lý hồ sơ, công việc hằng ngày đã làm thay đổi tư duy, cách thức làm việc của từng cán bộ, công chức xã, giúp giải quyết công việc không bị giới hạn về thời gian, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.
Trong quá trình giải quyết công việc, để giảm bớt thời gian hội họp, cán bộ, công chức tăng cường trao đổi thông tin qua Email, ứng dụng Zalo. Bên cạnh đó, xã chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Nếu như năm 2022, tỷ lệ hồ sơ nộp DVCTT trên địa bàn xã mới đạt trên 20%, thì từ đầu năm đến nay, tỷ lệ này đạt 100%…”.
Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác xây dựng chính quyền số, qua đó, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm gồm chuyển đổi, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và toàn xã hội về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, nền tảng số, thông tin, dữ liệu số; ứng dụng CNTT; củng cố an toàn thông tin, an ninh mạng và phát triển nguồn nhân lực số… Qua đó, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ tốt cho tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.865 DVCTT, trong đó có 917 DVCTT toàn trình và đã đồng bộ, tích hợp 742 dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ tháng 1/2022, Vĩnh Phúc đã triển khai Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được xây dựng trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh để tiếp nhận, giải quyết, theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện TTHC, cung cấp DVCTT thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã.
Hệ thống đã hoàn thành kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; có liên kết tài khoản, đăng nhập một lần với hệ thống nền tảng trao đổi định danh điện tử quốc gia và kết nối với nhiều cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác.
Hiện nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh hoạt động cơ bản ổn định, thông suốt, đáp ứng quy trình tiếp nhận và xử lý giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị; bảo đảm liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và kết nối ngang dọc các hệ thống thông tin theo quy định của Chính phủ và của tỉnh.
Hệ thống không ngừng được hoàn thiện, tối ưu để thuận tiện nhất cho tổ chức, công dân và đã hiển thị 20 trường thông tin công dân, phục vụ xác thực thông tin công dân, giải quyết các TTHC cho công dân thuận lợi, nhanh chóng.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa” các cấp đã từng bước thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp; quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng yếu thế (người già, người khuyết tật…); chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn các nhóm đối tượng có trình độ CNTT còn hạn chế thực hiện DVCTT.
Qua đó, giúp người dân thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số. Tỷ lệ hồ sơ DVCTT trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, nếu như năm 2022, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến trên tổng số TTHC của tỉnh mới đạt 27,8% thì từ đầu năm đến nay, tỷ lệ này đã đạt gần 75%.
Theo xếp hạng Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công dựa trên thời gian thực trên môi trường điện tử, trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hiện Vĩnh Phúc đang đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố.
Cùng với đẩy mạnh thực hiện DVCTT, Vĩnh Phúc tăng cường triển khai hệ thống văn bản điện tử và kết nối liên thông với Trục văn bản quốc gia. Trong năm 2022 đã có gần 1 triệu văn đến đến luân chuyển trên phần mềm quản lý văn bản và hơn 280 nghìn văn bản đi.
Tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của cả tỉnh là 98,8%. Toàn tỉnh đã cấp chứng thư số cho 39 cơ quan, đơn vị, với tổng số 2.212 chứng thư số, trong đó có 1.773 chứng thư số cá nhân, 439 chứng thư số cơ quan; 11.250 chữ ký số công cộng.
Cổng Thông tin – Giao tiếp điện tử tỉnh và 42 cổng thông tin điện tử của ngành, địa phương tiếp tục được vận hành, cập nhật dữ liệu theo quy định, góp phần tăng tính minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân với các cơ quan nhà nước…
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu trong năm 2023, có 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình trên các phương tiện và các nền tảng số; 100% hồ sơ được tiếp nhận và tối thiểu 60% hồ sơ được xử lý trực tuyến; tối thiểu 80% người dân và doanh nghiệp sử dụng DVCTT được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp; khi sử dụng dịch vụ công, người dân chỉ phải nhập một lần đối với các dữ liệu cơ quan nhà nước chưa hình thành cơ sở dữ liệu số…
Để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thực hiện DVCTT; tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tương tác với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, thông tin số và dữ liệu số; củng cố an toàn thông tin, an ninh mạng; bồi dưỡng và thu hút nhân lực về CNTT…
Lê Mơ