Tại Thông báo số 198/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với 03 địa phương là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, Phó Thủ tướng yêu cầu:
Các địa phương cần tập trung huy động tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ưu tiên đầu tư các dự án giao thông kết nối liên vùng để tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có về hạ tầng giao thông (đường bộ cao tốc, đường sắt, đường hàng không, cảng biển, đường thủy nội địa), phát huy vai trò là điểm trung chuyển vận tải đa phương thức phía Bắc, phát triển dịch vụ tiếp vận hậu cần cảng, các khu công nghiệp logistics,.. để kết nối với Trung Quốc, khu vực Đông Bắc Á và ASEAN nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp để phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương nói riêng và của vùng đồng bằng sông Hồng nói chung.
Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương sớm hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh. Trong đó, 2 địa phương cần lưu ý quán triệt các quan điểm phát triển, định hướng phát triển của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng, Nghị quyết Đại hội đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đã đề ra để phát huy được tiềm năng, lợi thế và vị trí địa lý, gắn với định hướng ưu tiên phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể và chính sách thu hút đầu tư.
Cùng với đó, định hướng phát triển kinh tế của tỉnh gắn với hành lang giao thông Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, và các hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Quảng Ninh và Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Chú trọng đào tạo, nâng cao phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhất là cho công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ cảng biển, logistic; tài chính – ngân hàng,… để phấn đấu xây dựng Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ biển của cả nước và là động lực phát triển của Vùng; Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại gắn với phát triển các dịch vụ đô thị và công nghiệp (nguồn nhân lực qua đào tạo, dịch vụ tiếp vận, hậu cần cảng, logistics…) để phát huy vai trò là tỉnh kết nối giữa các tỉnh phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội với cửa biển tại Hải Phòng và Quảng Ninh.
Các địa phương khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm đề xuất cho vùng đồng bằng Sông Hồng nói chung và thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương nói riêng và triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08/02/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, đề xuất giải pháp tháo gỡ, khắc phục tình trạng chồng chéo, chưa đầy đủ về quy định pháp luật, tăng cường phân cấp phân quyền cho các địa phương, báo cáo Chính phủ để làm căn cứ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, đồng nhất, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển.