Bài, ảnh: MINH HUYỀN
Trong giai đoạn 2021-2025, TP Cần Thơ triển khai nhiều dự án hạ tầng kinh tế – xã hội quan trọng, trong đó việc triển khai các khu tái định cư (TÐC) cũng được xác định là nhu cầu cấp thiết phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ TÐC kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án. Vì thế, thành phố yêu cầu các sở, ngành hữu quan và quận huyện đánh giá kịp thời nhu cầu đầu tư các khu tái định cư (TÐC), quan tâm tháo gỡ khó khăn gắn với phân kỳ đầu tư và phân bổ nguồn lực hợp lý.
Một góc khu TĐC An Bình, quận Ninh Kiều.
Rà soát nhu cầu
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến cuối tháng 5-2023, thành phố có 27 khu TÐC sử dụng vốn ngân sách nhà nước với tổng số 7.081 nền. Trong đó đã bố trí 2.777 nền, còn lại 4.304 nền đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện và xem xét bố trí tiếp. Trong đó, quận Ninh Kiều hiện có 8 khu TÐC với tổng số 1.970 nền; quận Bình Thủy có 3 khu TÐC với 1.106 nền; quận Cái Răng có 3 khu TÐC với 1.502 nền; quận Thốt Nốt có 5 khu TÐC với 104 nền; quận Ô Môn có 3 khu TÐC với 684 nền; huyện Cờ Ðỏ 1 khu TÐC với 344 nền, Phong Ðiền 1 khu TÐC với 284 nền; Vĩnh Thạnh 3 khu TÐC với 1.051 nền. Về nhu cầu nền tái định cư trên toàn địa bàn thành phố đến năm 2025 khoảng 7.572 nền.
Trên địa bàn quận Ninh Kiều có dự án khu tái định cư Ninh Kiều đang triển khai từ nguồn vốn ngân sách nhà nước với diện tích gần 9,2ha, tổng số nền bố trí tái định cư 519 nền. Trong đó số hộ bị ảnh hưởng khoảng 325 hộ và số hộ dự kiến bố trí tái định cư tại chỗ khoảng 90 hộ. Quận đã ban hành 484 thông báo thu hồi đất và đã chi trả cho 169 hộ dân, trong đó có 159 hộ đã bàn giao mặt bằng. Theo ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, trong quá trình triển khai dự án quận gặp một số khó khăn do các hộ còn lại chưa nhận tiền bồi thường đa phần mất đất nông nghiệp thuộc khu phân lô tự phát và đề nghị được nâng giá bồi thường, giải quyết nền tái định cư; một số hộ khiếu kiện hành chính đã có thụ lý tòa án. Dự kiến khu tái định cư Ninh Kiều sau khi bố trí tái định cư tại chỗ còn khoảng 400 lô nền để bố trí cho các dự án trên địa bàn quận. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, đến năm 2025 nhu cầu tái định cư của quận khoảng 675 nền nên quận cũng xin ý kiến thành phố để đầu tư khu tái định cư An Bình giai đoạn 2 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
UBND thành phố giao UBND quận, huyện tiếp tục rà soát, quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng thêm các khu TÐC để đảm bảo quỹ nền phục vụ nhu cầu TÐC thời gian tới. Theo bà Nguyễn Thị Trúc Linh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, đối với quận Cái Răng trong giai đoạn 2020-2025 nhu cầu tái định cư đối với các dự án đã, đang và dự kiến triển khai trên địa bàn khoảng 3.000 nền. Ðến thời điểm này quận đã bố trí khoàng 500 nền, còn thiếu khoảng 2.500 nền. Hướng tới quận xin ý kiến thành phố mở rộng khu tái định cư quận Cái Răng giai đoạn 2, tương đương diện tích hơn 11,9ha. Nếu được thống nhất dự kiến sẽ bố trí thêm 515 lô nền để phục vụ cho các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn quận và dự án của thành phố. Quận cũng báo cáo đề xuất dự kiến khu tái định cư 65ha phục vụ dự án Trung tâm Văn hóa Tây Ðô tiếp tục triển khai giai đoạn 2 để thành phố xem xét, quyết định
Phân kỳ đầu tư
UBND thành phố giao UBND quận/huyện tiếp tục rà soát, quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng thêm các khu tái định cư để đảm bảo quỹ nền phục vụ nhu cầu tái định cư trong thời gian tới. Ðồng thời, nghiên cứu đề xuất các hình thức tái định cư phù hợp với tình hình thực tế của thành phố. Theo ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ, từng quận huyện cần xác định khu TÐC nào đã hoàn thành, đã bố trí được bao nhiêu nền, các nền còn lại đang triển khai, hoặc đã bố trí nhưng người dân chưa nhận nền, đồng thời rà soát lại nhu cầu và đề xuất giải pháp thực hiện để Sở Xây dựng báo cáo cập nhật tiến độ các dự án khu TÐC để tham mưu cho Ban Chỉ đạo thành phố. Các công trình dự án cần xác định lại nhu cầu tái định cư, giá nền tái định cư cơ bản đã có quy định tại Nghị quyết 73/ NQ-CP, ngày 6-5-2023 của Chính phủ về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể. Theo đó, UBND thành phố ủy quyền cho UBND cấp quận huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân… Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định ủy quyền theo Nghị quyết số 73/NQ-CP để quận, huyện quan tâm triển khai thực hiện. Về phía Sở sẽ cùng trao đổi hỗ trợ quận, huyện trong quá trình định giá đất sao cho phù hợp, đúng quy định.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển, các sở, ngành, quận, huyện cần tập trung nguồn lực cho các khu TÐC đang triển khai, đã có chủ trương đầu tư. Ðồng thời tính toán nhu cầu nền TÐC đến 2025. Ðối với nhu cầu mở rộng các khu TÐC hiện hữu, các quận huyện cần đánh giá kỹ nhu cầu bố trí nền TÐC, khả năng cân đối vốn, tính khả thi và hiệu quả. Khu TÐC mới phải có quỹ đất, nguồn lực đầu tư đồng bộ với đầy đủ hạ tầng kinh tế, xã hội như khu đô thị. Ðối với các khu TÐC đề xuất mở rộng, đã có chủ trương đầu tư các quận, huyện cần chủ động lập thủ tục chuẩn bị đầu tư, để sẵn sàng triển khai thực hiện khi tranh thủ được nguồn vốn bố trí. UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư rà soát các dự án khu TÐC đáp ứng đủ thủ tục đầu tư đề phân bổ vốn kịp thời. Các khu TÐC đang triển khai, chủ đầu tư cần đôn đốc nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công và chủ động giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát tổng hợp báo cáo UBND thành phố để sớm thông qua điều chỉnh chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng thành phố tiếp tục cập nhật tình hình đầu tư và nhu cầu đầu tư các khu TÐC cũng như rà soát, đề xuất các dự án TÐC đưa vào quy hoạch đầu tư trong giai đoạn tới.