Các nhà thiên văn phát hiện luồng hơi nước khổng lồ từ Enceladus, mặt trăng nhỏ của sao Thổ với triển vọng tìm thấy sự sống ngoài Trái Đất.
Luồng khí dài khoảng 9.600 km, tương đương khoảng cách giữa Ireland và Nhật Bản, phun nước vào không gian với tốc độ ước tính 300 lít một giây, Guardian hôm 30/5 đưa tin. Từ lâu giới chuyên gia đã cho rằng Enceladus, mặt trăng rộng khoảng 500 km, chứa một đại dương nước mặn sâu bên dưới lớp vỏ băng giá và có thể phun hơi nước vào không gian. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên họ quan sát được vụ phun hơi nước lớn như vậy.
“Chúng tôi thực sự ấn tượng trước độ lớn và độ dài của luồng hơi”, nhà khoa học hành tinh Geronimo Villanueva tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard thuộc NASA, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Astronomy.
Nhóm nghiên cứu quan sát Enceladus, mặt trăng lớn thứ 6 của sao Thổ, bằng kính viễn vọng không gian James Webb vào tháng 11 năm ngoái. Các phép đo của kính viễn vọng này cho thấy, luồng hơi khiến Enceladus mất 300 kg nước mỗi giây, đủ để lấp đầy một bể bơi kích thước Olympic trong vài giờ.
Các quan sát trước đây về Enceladus đã phát hiện những luồng hơi nước, mang theo hạt băng và hóa chất hữu cơ, phun trào giống như mạch nước phun trên Trái Đất qua các vết nứt gọi là vằn hổ trên bề mặt mặt trăng. Do Enceladus quay quanh sao Thổ quá nhanh, hoàn thành một vòng quỹ đạo chỉ trong hơn một ngày, hơi nước tràn vào quỹ đạo của mặt trăng và tạo thành một chiếc vòng hình xuyến khổng lồ. Theo dữ liệu từ kính viễn vọng, khoảng 30% lượng nước thoát ra từ Enceladus bị giữ lại trong vòng hình xuyến, phần còn lại thoát ra không gian xung quanh sao Thổ.
Năm 2017, các nhà khoa học NASA cho biết, Enceladus có gần như mọi thành phần cần thiết cho sự sống mà con người biết đến, bao gồm nước, năng lượng và các yếu tố hóa học. Nguồn năng lượng được cho là tương tự những miệng phun thủy nhiệt tràn ngập sự sống dưới đáy biển trên Trái Đất. Các nhiệm vụ thám hiểm Enceladus trong tương lai sẽ giúp nghiên cứu độ dày của lớp vỏ băng giá bên ngoài và độ sâu của đại dương dưới lòng đất.
Thu Thảo (Theo Guardian)