Cần có định mức sử dụng đất tôn giáo
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục thừa nhận, quy định đối với việc công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất. Cụ thể, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. UBND cấp tỉnh căn cứ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo. Đối với diện tích tổ chức tôn giáo sử dụng vào các mục đích khác thì phải trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, số liệu kiểm kê đất đai đến ngày 31/12/2019 cho thấy, cộng đồng dân cư và cơ sở tôn giáo đang sử dụng 599.741 ha, chiếm 1,81% tổng diện tích đất đã giao cho các đối tượng sử dụng. Trong đó, đất lâm nghiệp 549.706 ha, đất sản xuất nông nghiệp các loại 3.640 ha, đất cơ sở tôn giáo có 13.211 ha, đất cơ sở tín ngưỡng 7.113 ha. Trong đó, từ năm 2014, đất cơ sở tôn giáo đã tăng 1.692 ha, đất tín ngưỡng tăng 609 ha.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, về việc sử dụng đất của các tôn giáo, tình trạng các cơ sở tôn giáo tự thỏa thuận, thực hiện việc chuyển nhượng, mua bán lại đất của các hộ gia đình, cá nhân, nhận hiến tặng, công đức không đúng quy định khá phổ biến. Một số cơ sở tôn giáo sau khi nhận hiến tặng, chuyển nhượng của hộ gia đình, cá nhân đã tự mở rộng chùa, nhà thờ mà chưa thực hiện các thủ tục chấp thuận cho tu bổ, tôn tạo di tích, phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Vì vậy, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị, trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai cần xem xét quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với đất tôn giáo để làm cơ sở thẩm định nhu cầu sử dụng đất, góp phần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
“Đồng thời, cần có quy định cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất, giao đất cho các tổ chức kinh tế để xây dựng khu du lịch liên quan đến tôn giáo. Cần tách bạch đất sử dụng vào mục đích tôn giáo (không thu tiền sử dụng đất) và đất kết hợp du lịch để sử dụng đất tiết kiệm, tính thu tiền thuê đất đối với đất du lịch dịch vụ, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước” – Luật sư Nguyễn Văn Hậu kiến nghị.
Bổ sung quy định về điều kiện quy hoạch đất tôn giáo
Trong khi đó, bà Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị cần bổ sung quy định về điều kiện quy hoạch đất tôn giáo. Bởi theo quy định khi lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có chỉ tiêu sử dụng đất của loại đất cơ sở tôn giáo chỉ thể hiện khi hiện trạng đã là đất cơ sở tôn giáo. Do đó, việc giao đất, chuyển mục đich sử dụng đất từ đất khác sang đất cơ sở tôn giáo hiện nay còn gặp nhiều khó khăn ( bao gồm cả việc giao mới đất cơ sở tôn giáo do phải di dời, giải tỏa đất cơ sở tôn giáo cũ).
Đồng thời, theo Võ Thị Dung, cần đảm bảo “các quyền chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp bằng quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai” đối với đất sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, làm cơ sở hoạt động từ thiện do cơ sở tôn giáo quản lý, sử dụng.
Đối với đất tín ngưỡng, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Điều 204 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định loại đất này bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, đất rừng tín ngưỡng. Tuy nhiên, cần bổ sung đất tín ngưỡng gồm có cả “từ đường”, “nhà thờ họ” (phù hợp quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016). Ngoài ra, nội dung “đất rừng tín ngưỡng” chưa được định nghĩa tại Luật tín ngưỡng tôn giáo. Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện dự thải Luật đất đai (sửa đổi) cần giải thích cụ thể thế nào là “đất rừng tín ngưỡng”?
Trong khi đó, liên quan đến đất dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị cần bổ sung các quy định bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ.