Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy – Vương Phương Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Sáng 30/5, Đoàn giám sát Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn sách địa phương giai đoạn 2021 – 2025 và một số công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có đồng chí Vương Phương Nam – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Giai đoạn 2021 – 2025, Sở KH&ĐT đã hoàn thành đưa vào sử dụng 76 dự án, 29 dự án đang chuẩn bị đầu tư, 10 dự án bị chậm tiến độ đầu tư… Tổng vốn ghi cho các danh mục công trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó vốn được duyệt đầu tư là hơn 19.000 tỷ đồng. Hàng năm, Sở phối hợp làm tốt công tác lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, công tác thẩm định đầu tư; kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh bố trí vốn giúp các công trình, dự án triển khai thực hiện đạt tiến độ. Đặc biệt, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử phạt 38/38 đơn vị vi phạm công tác lựa chọn nhà thầu, thực hiện quy trình, quy định pháp luật về đấu thầu…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng; giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng cao, ảnh hưởng của dịch COVID-19; khả năng dự báo của một số đơn vị tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn tới mất thời gian điều chỉnh chủ trương đầu tư, chậm trễ trong giải ngân nguồn vốn…
Các thành viên đoàn giám sát yêu cầu Sở KH&ĐT có giải pháp khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết vướng mắc giải phóng mặt bằng; thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực lập kế hoạch đầu tư cho đội ngũ cán bộ; hạn chế tối đa việc bổ sung dự án vào danh mục đầu tư, trừ các dự án thật sự bức thiết.
Để triển khai công tác đầu tư công đạt hiệu quả và đúng quy định pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy – Vương Phương Nam đề nghị Sở KH&ĐT phải đảm bảo tính công bằng trong lựa chọn nhà thầu, các khâu tư vấn, thiết kế, lập hồ sơ, nhất là mạnh dạn loại ra những nhà thầu yếu kém về năng lực. Đồng chí Vương Phương Nam cho rằng, cái gốc của công tác giải phóng mặt bằng chậm dẫn tới nhiều dự án tồn đọng, trì trệ là do giá bồi thường không phù hợp. Do đó, phải thực hiện đúng mức giá bồi thường, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các dự án, hạn chế tối đa việc khiếu kiện của người dân.
Tin, ảnh: H.T