Mới đây, Câu lạc bộ Tiếng Đức Học viện Ngoại giao đã tổ chức chương trình nhằm lan tỏa tình yêu ngôn ngữ và văn học đến sinh viên Học viện Ngoại giao nói riêng và cộng đồng sinh viên nói chung.
Chương trình nhận được sự quan tâm và tham dự của TS. Hans-Peter Glanzer – Đại sứ Áo tại Việt Nam; TS. Thomas Gass – Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam; ông Simon Kreye – Phó Đại sứ, Trưởng phòng Kinh tế Đại sứ quán Đức tại Việt Nam; bà Vũ Thị Thu Phương – Quản lý Chương trình, Đại diện Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS);
TS. Lê Viết Thái – Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Đức; TS. Ngô Tự Lập – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục, nguyên Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI); bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Phó Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam; cùng đại diện đến từ CLB Thơ dịch Hội Nhà văn Hà Nội, Viện Nhân học Văn hóa và Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Các diển giả chia sẻ tại chương trình ngày 26/5. (Ảnh: Nam Dương) |
Diễn ra với hai phần chính (giới thiệu Câu lạc bộ Tiếng Đức Học viện Ngoại giao và tọa đàm “Câu chuyện dịch thuật – Hành trình giao thoa ngôn ngữ”), chương trình còn có sự tham dự của Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giaoTrần Chí Trung, Trưởng Ban Đào tạo Học viện Ngoại giao ; cô Nguyễn Thị Thìn và Quyền trưởng Phòng Đào tạo Học viện Ngoại giao Hoàng Mai Hương cùng đông đảo các bạn sinh viên trong và ngoài Học viện.
Câu lạc bộ Tiếng Đức Học viện Ngoại giao (GOD) là một câu lạc bộ non trẻ, được thành lập vào tháng 3/2023 với cố vấn là dịch giả Chu Thu Phương (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Ủy viên Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam).
GOD mang trong mình sứ mệnh giúp đỡ các thành viên nâng cao kiến thức chuyên môn tiếng Đức; tìm hiểu về văn hóa và đời sống khu vực các nước nói tiếng Đức; thực hành phiên dịch, biên dịch, dịch văn học, viết sách và tạo tài liệu tham khảo cho các khoa tiếng Đức của các trường học ở Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngay từ khi chuẩn bị thành lập, các thành viên của GOD đã tổ chức một dự án dịch sách tiếng Đức mang tên Komm, sagte die Katze – một cuốn sách thiếu nhi của tác giả người Áo, Mira Lobe.
Tác giả Mira Lobe là một trong những tác giả truyện trẻ em viết bằng ngôn ngữ Đức nổi tiếng nhất thế giới. Cuốn sách đã đoạt được hai giải thưởng danh giá: Giải thưởng Văn học Trẻ em và Thanh niên thành phố Vienna 1975 và được xếp vào Danh sách danh dự cho Giải thưởng Văn học Trẻ em và Thanh niên quốc gia Áo 1975.
Dự án Komm, sagte die Katze có nhiều hoạt động hơn là việc dịch một cuốn sách như thực hành đóng kịch và biểu diễn văn nghệ.
Thông qua dự án, các thành viên của GOD không chỉ được học về ngữ pháp, về kỹ năng biên dịch, kỹ năng soạn thảo, mà còn được học các kỹ năng làm việc nhóm sao cho hiệu quả, kỹ năng giao tiếp, khám phá khả năng diễn xuất và ca hát, tìm hiểu về quy trình, cách thức để có thể dịch được hoàn chỉnh một cuốn sách.
Đến với chương trình, TS. Hans-Peter Glanzer chia sẻ: “Chúng ta đang ở trong một thế giới toàn cầu hóa và ngày càng kết nối chặt chẽ hơn thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, cũng như đang đối diện với sự đồng hóa về mặt ngôn ngữ ngày càng tăng.
Sự đa dạng về ngôn ngữ và đặc biệt là ảnh hưởng của các ngôn ngữ khác nhau đến các vùng văn hóa/khu vực cụ thể của mỗi ngôn ngữ đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần.
Giá trị của ngôn ngữ về thực chất lớn hơn rất nhiều so với chức năng giao tiếp đơn thuần. Kiến thức về ngôn ngữ tạo điều kiện cho chúng ta dễ dàng tiếp cận hơn tới các nền văn hóa khác trong cả trải nghiệm và tâm lý. Nó cũng làm cho con người từ những vùng miền văn hóa khác nhau hiểu biết và đồng cảm với nhau hơn.
Chính vì vậy, việc GOD đặt vấn đề khuyến khích dịch thuật văn học làm một trong những trọng tâm hoạt động của mình là rất phù hợp với xu hướng trên”.
Tại phần hai của chương trình là tọa đàm “Câu chuyện dịch thuật – Hành trình giao thoa ngôn ngữ”, các sinh viên yêu thích văn học và ngôn ngữ được trực tiếp lắng nghe các diễn giả với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch thuật chia sẻ về chuyện nghề và hành trình giao thoa ngôn ngữ.
Đó là dịch giả Hà Phạm Phú – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam và dịch giả Chu Thu Phương – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Ủy viên Hội đồng Văn học dịch Hà Nội.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các bạn sinh viên được trao đổi và đặt ra những câu hỏi để giải đáp những băn khoăn thắc mắc về vấn đề dịch thuật văn học trực tiếp với các dịch giả.
Chương trình đã diễn ra thành công tốt đẹp và nhận được rất nhiều sự quan tâm đến từ Đại sứ quán, cơ quan, đơn vị các nước nói tiếng Đức, các thầy cô Học viện Ngoại giao và các sinh viên có niềm yêu thích với văn học và ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Đức.