BTO-Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Tổ 14 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Hải Dương, Sơn La.
Tham gia thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, ĐBQH tỉnh Đặng Hồng Sỹ bày tỏ thống nhất với việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, quy định thời gian 6 tháng là quá dài, cần tính toán giảm xuống 1 tháng sẽ phù hợp hơn.
Tại điều 5 về nguyên tắc chủ yếu tập trung vào đề cao tự giải trình, tự báo cáo của người được bỏ phiếu, lấy phiếu và trách nhiệm của đại biểu. Theo đại biểu Đặng Hồng Sỹ, nội dung này cần quy định thêm sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin của người được bỏ phiếu là thành viên của Chính phủ liên quan đến quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao có chậm trễ hay không, chất lượng như thế nào; có đảm bảo lời hứa trước Quốc hội và cử tri hay không?… Hơn nữa, cũng cần xem đây là kênh để tăng trách nhiệm của các thành viên Chính phủ và các vị được lấy phiếu tín nhiệm…
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH tỉnh đã góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông, qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội có 2 nhóm chính sách cho 7 lĩnh vực với 44 nội dung cụ thể, đại biểu khẳng định những nội dung này là cần thiết và phù hợp với vị thế, xu hướng phát triển của thành phố trong thời gian tới. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ lo lắng về tồn tại lớn, đó là việc cụ thể hóa những nội dung trong nghị quyết, nhất là các nghị định, thông tư, hướng dẫn chưa ban hành kịp thời. Do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ cần ban hành các nghị định; các bộ ngành phải ban hành thông tư gấp để giúp cho TP. Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả Nghị quyết 31…
Tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh bày tỏ sự phân vân tại khoản 1 điều 6 liên quan đến các dự án sử dụng đất lúa vào các mục đích khác. Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở đó tiếp tục chỉ đạo các địa phương khác rà soát diện tích đất lúa trong thời gian tới để triển khai thực hiện cho đồng bộ nhằm tránh tình trạng diện tích đất lúa ngày càng thu hẹp. Trong quá trình tổ chức thực hiện phải phân công, làm rõ trách nhiệm tránh xảy ra sai sót liên quan đến Luật Đất đai, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và uy tín của các cấp chính quyền.
ĐBQH tỉnh Trần Hồng Nguyên cho biết, tại Mục IV – Tổ chức thực hiện có giao cho Ban cán sự đảng ban hành Đề án triển khai Kết luận số 14 ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” chọn TP. Hồ Chí Minh để làm thí điểm. Tuy nhiên, hiện đề án này đang được giao cho Bộ Nội vụ xây dựng nhưng chưa hoàn thành. Cho nên theo đại biểu trong dự thảo nghị quyết chỉ nên bổ sung một số quy định chung có tính chất nguyên tắc về nội dung khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung, không nên quy định quá chi tiết cụ thể. Trên cơ sở những quy định chung của nghị quyết sẽ tiếp tục triển khai quy định chi tiết sau thì hợp lý hơn…