Sự kiện này đã đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước trên thế giới ứng dụng Robot này (đa phần là các nước Âu, Mỹ), vừa được công bố và báo cáo trong Hội thảo Khoa học 2023 chuyên đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế” ngày 28/5 tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Chu Tấn Sĩ – Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, người được mệnh danh là “bàn tay vàng” trong phẫu thuật thần kinh – sọ não và các cộng sự là ê-kíp duy nhất tại Việt Nam có chuyên môn và kinh nghiệm trong việc vận hành, làm chủ công nghệ Robot này.
Robot chuyên trị những ca u não khó
Tại Hội thảo, các chuyên gia, bác sĩ phẫu thuật thần kinh từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã báo cáo các ca mổ u não điển hình được thực hiện bởi Robot Modus V Synaptive, trong đó có ca được báo cáo và đăng tải trên Tạp chí Y khoa danh tiếng Medicine của Mỹ.
Bốn năm trước, bệnh nhân Phùng Kim Minh, sinh năm 1952 tại Hà Nội, chẩn đoán u dây thần kinh số V, độ 4. Khối u lớn, trải dài, nằm ở vùng chức năng vị trí cực nguy hiểm, chèn ép vào cấu trúc thân não. Nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội từ chối mổ, do tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây yếu liệt các dây thần kinh IX, X, XI, XII… nếu mổ bằng phương pháp truyền thống. Hệ quả có thể khiến bệnh nhân mất khả năng tự lập, sẽ bị sặc khi ăn uống, viêm phổi, nhiễm trùng và sốc, có thể tử vong.
Sau 4 năm sống chung với khối u, người bệnh được bác sĩ Chu Tấn Sĩ và ê-kíp mổ não bằng Robot Modus V Synaptive. “Đây là một ca bệnh đầy thách thức và áp lực, người bệnh đang mang trong mình khối u quá lớn và ở vị trí nguy hiểm”, bác sĩ Chu Tấn Sĩ nhận định.
Nhờ có robot, cuộc mổ được mổ mô phỏng trước trên máy tính, giúp bác sĩ chủ động chọn đường đi vào khối u không làm tổn thương các bó sợi thần kinh. Cuộc mổ chính thức trên robot tiến hành một ngày sau đó. Người bệnh được phẫu thuật trong tư thế nằm nghiêng, thòng một tay xuống dưới bàn mổ, đặt điện cực để kiểm soát dây thần kinh số VII, nhờ đó sau mổ bệnh nhân không bị liệt mặt một bên.
Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ, bác sĩ đã lấy hết khối u, giải phóng khối chèn ép. Bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, biểu hiện chóng mặt giảm đi đáng kể, có thể đi lại được sau một đêm hồi sức tích cực. Bệnh nhân hồi phục nhanh nhờ có robot hướng dẫn và giám sát không làm tổn thương các bó sợi thần kinh và các mô não lành trong cuộc mổ, không gây di chứng hậu phẫu. Tròn một tuần sau mổ, bệnh nhân xuất viện và bay về Hà Nội.
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ cùng cộng sự cũng đã ứng dụng robot thông minh Modus V Synaptive mổ u não to 6x5cm tương đương trứng vịt cho cô gái 22 tuổi (quê An Giang) bị liệt hoàn toàn suốt 6 tháng trước mổ. Nữ bệnh nhân sau đó hồi phục tốt, đi lại được. Tháng 4 vừa qua, ê-kíp đã phẫu thuật cho nam sinh 21 tuổi (TP.HCM) bị u mạch máu thể hang, chèn ép, gây vỡ mạch máu não, có biến chứng xuất huyết và động kinh.
Một ca mổ khác bằng Robot Modus V Synaptive cho nam thanh niên 26 tuổi (TP.HCM) bị u não thất, vị trí sâu trong não thất trái. Khối u bở, dễ vỡ, dễ chảy máu, có nhiều nguồn nuôi u, đặc biệt nằm sâu trong não, gây tổn thương, làm tắc đường lưu thông dịch não tủy, tăng áp lực nội sọ lớn. Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ, bác sĩ vừa lấy khối u, vừa tái thông dịch não tủy cho người bệnh. Sau mổ, triệu chứng run yếu chi và đau đầu của bệnh nhân giảm. Sau 3 – 4 ngày, bệnh nhân có thể đi được và xuất viện vào ngày thứ 5.
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ cho biết, hiện đã có khoảng 20 ca mổ u não điển hình được thực hiện thành công bởi Robot Modus V Synaptive tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
X
Các bác sĩ đang tiến hành mổ não bằng robot Modus V Synaptive
Cuộc cách mạng của ngành phẫu thuật thần kinh tại Việt Nam
Tại Hội thảo, các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh – sọ não đánh giá sự xuất hiện của Robot mổ não Modus V Synaptive là cuộc cách mạng trong ngành phẫu thuật não tại Việt Nam.
Các bệnh lý thần kinh – sọ não như u não, u màng não, u tuyến yên, đột quỵ xuất huyết não, phù não… là những bệnh thuộc nhóm nguy hiểm nhất bởi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Việc phẫu thuật điều trị các bệnh lý này đặt ra cho nền y học thế giới nhiều thách thức lớn về hiệu quả và yêu cầu hạn chế tối đa di chứng hậu phẫu, bởi bộ não và hệ thần kinh trung ương chi phối gần như mọi chức năng của cơ thể từ đi lại, ngôn ngữ, thị lực đến tư duy, suy nghĩ, trí nhớ…
Trước đây, các phương pháp mổ não kinh điển như hệ thống định vị Navigation, kính vi phẫu… không thể thấy được các bó sợi thần kinh trước hoặc trong quá trình mổ, dẫn đến nguy cơ phạm phải, cắt đứt chúng hoặc làm tổn thương các mô não lành xung quanh cao. Hậu quả là có thể để lại di chứng nặng nề cho người bệnh. Robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở mức tinh vi, giúp khắc phục được các hạn chế này. So với các phương pháp mổ não kinh điển, Robot mang lại hiệu quả điều trị tối ưu với các ưu điểm vượt trội mà các phương pháp mổ não kinh điển không có.
Robot thế hệ mới cho phép phẫu thuật viên quan sát toàn diện không gian, tổ chức não, thấy rõ các bó sợi thần kinh, các mô não lành xung quanh khối u… trên cùng một hình ảnh 3D cả trước, trong và sau mổ, giúp bác sĩ đánh giá toàn diện và chọn đường tiếp cận khối u hiệu quả nhất và an toàn nhất. Đây là sự khác biệt chưa có máy móc mổ não nào làm được.
Với phần mềm chuyên dụng, bác sĩ có thể tiến hành mổ mô phỏng 3D trước khi mổ chính thức, chủ động chọn vị trí mở hộp sọ, lựa chọn đường phẫu thuật tiếp cận khối u hay vùng bệnh lý hiệu quả, hạn chế tối đa tổn thương các bó sợi thần kinh và ảnh hưởng mô não lành. Sự độc nhất này trước đây chưa có máy móc mổ não kinh điển nào làm được.
Robot giám sát suốt quá trình mổ, cảnh báo bằng các tín hiệu đèn nếu đường tiếp cận và dụng cụ mổ có xu hướng đi lệch, và cho phép bác sĩ truy vấn các dữ liệu MRI, CT, CTA, DSA… đã có để tham khảo ngay trên màn hình Robot mà không phải truy cập lại các dữ liệu ở nhiều thiết bị khác nhau. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra các quyết định kịp thời.
Robot cho hiệu quả vượt trội, người bệnh phục hồi nhanh, chi phí điều trị tiết kiệm hơn hàng chục lần so với mổ u não ở nước ngoài cùng công nghệ.
“Nhờ có Robot mổ não Modus V Synaptive mà một bác sĩ phẫu thuật thần kinh với 30 năm kinh nghiệm như tôi mới thấy được các bó sợi thần kinh trong suốt quá trình mổ để tránh phạm vào”, Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 2 Chu Tấn Sĩ cho biết.
Đặc biệt, Robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo này phát huy hiệu quả tối ưu trong phẫu thuật các ca bệnh thần kinh – sọ não khó, nằm sâu trong não hoặc gần các cấu trúc quan trọng của não mà các phương pháp mổ thông thường khó hoặc không dám tiếp cận do nguy cơ biến chứng cao.