Trong năm Nhâm Dần 2022, thị trường bất động sản Việt Nam bất ngờ suy yếu sau 2 năm tăng trưởng “nóng”. Nguyên nhân là do một số bất cập liên quan tới cơ chế, pháp lý vẫn còn tồn đọng kéo dài, chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều.
Dù vậy, vào cuối tháng 11/2022, Chính phủ đã đồng ý thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Động thái này được kỳ vọng sẽ là một động lực tăng trưởng trong thời gian tới.
Kết thúc năm cũ, đón chào năm mới – năm Quý Mão 2023, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi riêng với ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đồng thời là Tổ phó, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, về khả năng phục hồi trong năm mới.
Tích cực tháo gỡ khó khăn
Thưa Thứ trưởng, kể từ khi thành lập tới nay, đã hơn 2 tháng, Tổ công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản đã triển khai những nhiệm vụ đến đâu?
– Vừa qua, Tổ công tác đã làm việc với các địa phương như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản. Qua làm việc, chúng tôi thấy nổi lên 3 vấn đề khó khăn vướng mắc.
Thứ nhất, do thể chế, một số quy định pháp luật trong các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đất đai, đầu tư… còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.
Trong đó, khó khăn được nhiều ý kiến phản ánh nhất liên quan đến pháp luật về đất đai như tính tiền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng…
Thứ hai là khó khăn, vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, dự án khu đô thị phức tạp, kéo dài, chậm thực hiện ở các địa phương.
Thứ ba là về khan hiếm nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, do khó tiếp cận tín dụng, khó khăn trong phát hành trái phiếu và áp lực đáo hạn trái phiếu;
Các khó khăn này dẫn đến nguồn cung bất động sản và việc triển khai các dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều hạn chế.
Vậy, Tổ công tác đã có những động thái tức thì nào để tháo gỡ khó khăn, thưa Thứ trưởng?
– Trong quá trình làm việc với các địa phương, doanh nghiệp, Tổ công tác đã trao đổi, hướng dẫn trực tiếp về các quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành và địa phương.
Các nội dung chưa thể trao đổi, hướng dẫn trực tiếp, Tổ công tác đã cho rà soát, tổng hợp để giải quyết. Theo đó, giao các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ có văn bản gửi địa phương, doanh nghiệp để hướng dẫn ngay các nội dung thuộc thẩm quyền.
Đơn cử, các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai thì giao Bộ Tài nguyên và Môi trường; các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đấu thầu thì giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ xây dựng hướng dẫn, tháo gỡ các nội dung liên quan đến xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản…
Cùng với đó, Tổ công tác có văn bản gửi các địa phương để đôn đốc, yêu cầu địa phương khẩn trương giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương mà doanh nghiệp báo cáo, kiến nghị.
Đối với các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, Tổ công tác tiếp tục tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ.
Thời gian tới, Tổ công tác sẽ tiếp tục làm việc để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương và doanh nghiệp.
Để thực sự “giải cứu” được thị trường bất động sản trong dài hạn thì cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan. Bộ Xây dựng đã và sẽ triển khai giải pháp này thế nào?
– Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững thì một trong những giải pháp hết sức quan trọng là hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật liên quan. Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung sửa đổi một số luật phụ trách.
Thứ nhất là rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Thứ hai là trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Thứ ba là ban hành các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.
Đặc biệt là tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Đối với Luật Nhà ở (sửa đổi), một trong những nội dung quan trọng là hoàn thiện chính sách về phát triển nhà ở xã hội như: phân nhóm đối tượng, điều kiện thụ hưởng chính sách; việc quy hoạch và dành quỹ đất; trình tự thủ tục và lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước…dành cho phát triển nhà ở xã hội.
Đối với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn, gồm: chính sách về kinh doanh bất động sản; chính sách về kinh doanh dịch vụ bất động sản; chính sách về điều tiết để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; chính sách về quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Trong đó sẽ tập trung hoàn thiện các chính sách liên quan đến: mô hình, hoạt động, giao dịch bất động sản qua sàn; mô hình, hoạt động môi giới bất động sản; nguyên tắc, phương pháp, thẩm quyền điều tiết thị trường; xây dựng và công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản…
Hiện tại, Bộ Xây dựng đang tích cực, chủ động nghiên cứu xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (năm 2023) theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Nhận diện điểm sáng của thị trường
Thứ trưởng nhận định thế nào về thị trường năm 2023. Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào các giải pháp nào nhằm ổn định, phát triển thị trường nhà ở – bất động sản?
– Bước sang năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, các yếu tố thuận lợi, thời cơ và khó khăn thách thức đan xen nhưng khó khăn và thách thức nhiều hơn.
Với vai trò, trách nhiệm được giao, Bộ Xây dựng sẽ tập trung các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững theo Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 1164/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ Xây dựng tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất là hoàn thiện thể chế xây dựng và hoàn thiện một số dự thảo sửa đổi luật, như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023, thông qua tại kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Thứ hai là đẩy mạnh nguồn cung, phát triển nhà ở xã hội: tập trung tốt thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Thứ ba là chủ động, tích cực rà soát khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại các địa phương; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ.
Những điểm sáng của bất động sản Việt Nam, có thể tạo ra xung lực cho thị trường tăng trưởng trong năm Quý Mão là gì, thưa Thứ trưởng?
– Thị trường bất động sản năm 2023 cũng sẽ có rất nhiều điều kiện, cơ hội để phát triển an toàn, lành mạnh.
Thứ nhất, các cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng đã được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong năm 2021 – 2022, việc thành lập Tổ công tác để khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản cũng như những chính sách được ban hành trong thời gian tới sẽ giúp cho các địa phương, các doanh nghiệp xử lý được các tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản trong thời gian qua, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, xây dựng nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Thứ hai, xu thế dịch chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh, trụ sở làm việc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam do ảnh hưởng của cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn sẽ là cơ hội, điều kiện thuận lợi để thị trường bất động sản Việt Nam sớm phục hồi và phát triển trở lại.
Thứ ba, sự nỗ lực, cố gắng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chủ động, tích cực, giám sát, đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo, sát sao, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân sẽ giúp Việt Nam tiếp tục phòng, chống, kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế.
Thứ tư, việc Việt Nam tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023 (bao gồm kế hoạch đầu tư công định kỳ cộng với chương trình phục hồi) chắc chắn sẽ tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới, thúc đẩy hình thành nên các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị mới, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, thị trường bất động sản phát triển.
Cuối cùng, bối cảnh vĩ mô ổn định của Việt Nam cùng với đà tăng trưởng cao của nền kinh tế so với thế giới và khu vực (GDP tăng khoảng 8% trong năm 2022 và 6,5% trong năm 2023) sẽ tạo môi trường thu hút đầu tư và là động lực để phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng!