Reuters hôm qua 30.5 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay trong cuộc điện đàm ngày 29.5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lặp lại mong muốn của Ankara mua máy bay chiến đấu F-16 từ Mỹ. Đáp lại, ông Biden nói Washington muốn Ankara từ bỏ việc phản đối Thụy Điển gia nhập NATO. Cuộc trao đổi diễn ra khi Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng Tổng thống Erdogan tái đắc cử nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 3 sau cuộc bầu cử ngày 28.5.
Có qua có lại ?
Chính phủ Mỹ đã nhiều lần bác bỏ những khẳng định rằng việc bán F-16 bị trì hoãn nhằm đạt được sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ cho các đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, theo Reuters. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hồi tháng 1 khẳng định phía Mỹ đã nói rõ rằng việc phê chuẩn hồ sơ xin gia nhập NATO sẽ được Quốc hội Mỹ đánh giá mang tính tích cực.
Thổ Nhĩ Kỳ mong Mỹ duyệt gói bán lô F-16 và phụ tùng trị giá 20 tỉ USD, nhưng thương vụ này đã bị đình trệ do Quốc hội Mỹ phản đối việc Ankara từ chối bật đèn xanh cho kế hoạch mở rộng NATO. Một gói bán nhỏ hơn trị giá 259 triệu USD gồm nâng cấp phần mềm điện tử hàng không cho phi đội F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã được Quốc hội Mỹ thông qua vài ngày sau khi Ankara phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan.
Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5.2022, gần 3 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan vào cuối tháng 3, nhưng vẫn tiếp tục phản đối Thụy Điển, cho rằng Stockholm chứa chấp các thành viên của những nhóm mà Ankara coi là khủng bố.
Tái đắc cử, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kêu gọi đoàn kết, chống lạm phát
Khả năng Thụy Điển gia nhập NATO vào giữa tháng 7 khi liên minh này tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Lithuania là một trong những ưu tiên của Washington. Do đó, giới quan sát cho rằng phép thử đầu tiên đối với Tổng thống Erdogan trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây sau khi ông tái đắc cử sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới. Tại hội nghị, Tổng thống Erdogan sẽ được yêu cầu dỡ bỏ quyền phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, theo tờ The Guardian.
Mối quan hệ trong 5 năm tới
Trong khi Mỹ và châu Âu có khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ trong một số vấn đề, chẳng hạn như tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, giới quan sát cho rằng mối quan hệ này sẽ vẫn khó khăn trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Những cuộc đàm phán về việc gia nhập EU đang bị đình trệ do nền dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ suy giảm dưới thời Tổng thống Erdogan, theo AP.
Dưới thời của Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường sức mạnh quân sự ở Trung Đông và củng cố quan hệ với Nga. Tuy nhiên, ông đã có “hành động cân bằng” về mặt ngoại giao kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, đồng thời gửi máy bay không người lái cho Kyiv, theo mạng truyền hình Euronews.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không gửi tên lửa S-400 cho Ukraine như Mỹ muốn?
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Erdogan không muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với phương Tây, mà chỉ muốn làm mọi thứ theo cách của riêng mình, và nhà lãnh đạo này sẽ tiếp tục có một mối quan hệ gây tranh cãi với phương Tây. Ông Arda Tunca, một nhà kinh tế học độc lập ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định: “Thổ Nhĩ Kỳ đang ly khai khỏi phương Tây và dù là thành viên NATO về mặt tinh thần, Thổ Nhĩ Kỳ không còn là một phần của NATO nữa”.
Trong khi đó, chuyên gia Galip Dalay tại tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh) nhận định: “5 năm nữa của Tổng thống Erdogan đồng nghĩa với nhiều hành động cân bằng địa chính trị giữa Nga và phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây sẽ tham gia hợp tác ở bất kỳ nơi nào phù hợp với các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ và việc này sẽ chia cắt mối quan hệ song phương”.
Ông Putin điện đàm với ông Erdogan
Hãng tin TASS hôm qua dẫn thông báo từ Điện Kremlin cho hay trong cuộc điện đàm ngày 29.5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh “sự đóng góp to lớn của Tổng thống Erdogan cho sự phát triển quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ theo cách xây dựng và cùng có lợi”. Hai nhà lãnh đạo còn lưu ý “sự ủng hộ của người dân Thổ Nhĩ Kỳ dành cho nhà lãnh đạo của họ mở ra những triển vọng bổ sung cho việc mở rộng hợp tác song phương thực tế trên nhiều lĩnh vực khác nhau”.