Sáng 30/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về: một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận và việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm về cơ chế ủy quyền đối với các dự án liên quan đến chuyển đổi rừng tương tự như hai dự án để tránh phải trình Quốc hội nhiều lần.
Về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, các đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ hướng tuyến để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tính toán kỹ phương án giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư để tránh vướng mắc khi thực hiện.
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu tập trung góp ý về phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ, trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử, chữ ký số chuyên dùng công vụ, trách nhiệm quản lý Nhà nước về chữ ký số chuyên dùng, tài khoản định danh điện tử…
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận ở tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Quảng Trị và thành phố Cần Thơ.
Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nhất trí với việc ban hành Nghị quyết, cho đây là mong mỏi không chỉ của cử tri và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mà còn của người dân cả nước, từ đó tạo động lực cho sự phát triển của thành phố và cả nước. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị bên cạnh nội dung và giải pháp đã được xây dựng, cần cân nhắc thời gian thực hiện thí điểm, các chính sách cần có tầm nhìn dài hạn và đột phá hơn cho Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm đến khi dừng thí điểm các chính sách được ban hành thực sự mang lại hiệu quả.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã làm rõ hơn về lý do một số quy định sửa đổi như: quy định một số chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn không vào diện được lấy phiếu tín nhiệm; việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đang nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo…
Cùng tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nhất trí với việc ban hành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, đại biểu tham gia cụ thể về: tính hiệu lực, hiệu quả chính sách thí điểm; vấn đề phát triển liên vùng; cơ chế, chính sách về vấn đề tài chính; giao dịch thị trường tín chỉ carbon…
Mai Lan – CTV