17:31, 29/05/2023
Nền kinh tế Đức, trước đây là động lực đáng tin cậy để kéo Liên minh châu Âu ra khỏi khủng hoảng, nay lại trở thành một mắt xích yếu ớt.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Đức cuối tuần trước thông báo, nền kinh tế Đức, từng là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của châu Âu, đã rơi vào suy thoái vào đầu năm 2023 trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Dữ liệu GDP được báo cáo cho thấy những tín hiệu tiêu cực đáng ngạc nhiên, với việc nền kinh tế mất đi tiềm năng tăng trưởng. Đài RT đã xem xét những thách thức mà “đầu tàu” kinh tế của EU phải đối mặt.
Tại sao suy thoái kinh tế của Đức lại là vấn đề lớn?
Là thành viên lớn nhất và giàu có nhất của EU, Đức đã xây dựng sức mạnh kinh tế của mình dựa trên năng lực sản xuất, hội nhập vào thương mại quốc tế và hệ sinh thái vận tải và hậu cần mạnh mẽ. Đây là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới về PPP (sức mua tương đương), sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản.
Điều gì đang làm tê liệt người khổng lồ kinh tế của EU?
Các vấn đề về chuỗi cung ứng và tranh chấp thương mại sau đại dịch COVID-19, cùng với cuộc khủng hoảng năng lượng và chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, tất cả đã gây căng thẳng cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức. Sản xuất công nghiệp bị đình trệ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, tắc nghẽn nguồn cung và chuyển sang năng lượng xanh. Tiếp theo đó là sức mua giảm và các đơn đặt hàng công nghiệp giảm dần.
Thách thức lớn đối với Berlin
Vấn đề quan trọng nhất đối với chính phủ là đảm bảo bền vững nhu cầu năng lượng cho cơ sở công nghiệp của đất nước trong quá trình chuyển đổi xanh. Đức là một trong những quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới và sản xuất chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế, trong nhiều thập kỷ đã hưởng lợi từ năng lượng giá rẻ của Nga để phát triển.
Nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng của Đức đã sa sút kể từ khi mất nguồn dầu mỏ và khí đốt giá rẻ của Nga. Trong ảnh là quang cảnh thành phố Frankfurt. Ảnh: AP |
Tác động của các lệnh trừng phạt Nga và khủng hoảng năng lượng
Trong số các thành viên EU, Đức bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác dụng phụ của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, do dòng khí đốt tự nhiên của Nga đã giảm đáng kể. Vụ phá hoại đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc), một trong những tuyến đường chính dẫn khí đốt của Nga tới châu Âu, đã làm tăng thêm khó khăn. Do đó, Đức không còn nhận được khí đốt trực tiếp từ Nga, trong khi trước đó đã nhập khẩu hơn 50% “nhiên liệu xanh” từ nước này.
Giá năng lượng bán buôn của châu Âu đạt mức cao chưa từng thấy vào năm 2022 do các lệnh trừng phạt đối với Nga, gây lo ngại về quá trình phi công nghiệp hóa, đặc biệt là ở Đức.
Những rủi ro khác
Là một trung tâm công nghiệp, Đức đang phải đối mặt với những thách thức lớn về công nghệ và chính trị. Thiếu lao động có trình độ là một vấn đề lớn khác, buộc Berlin phải tự do hóa hơn nữa vấn đề nhập cư. Một nghiên cứu gần đây của Viện Kinh tế Đức cho thấy các ngành công nghiệp có hơn 630.000 vị trí tuyển dụng cho những người lao động có trình độ mà họ không thể lấp đầy vào năm 2022, tăng từ mức 280.000 vị trí một năm trước đó.
Sự thúc đẩy năng lượng xanh của EU
Các nhà sản xuất Đức đã phải vật lộn để sản xuất ô tô và thiết bị nhà máy do thiếu phụ tùng và lao động, cũng như giá năng lượng tăng cao. Hơn nữa, họ buộc phải đầu tư hàng trăm tỷ euro trong những năm tới để đáp ứng các tiêu chuẩn năng lượng sạch mới của khối. Ngành công nghiệp ô tô của quốc gia này, cho đến nay là lớn nhất ở châu Âu, đã từng hỗ trợ hàng trăm nghìn việc làm cho người Đức và chiếm hơn 20% tổng sản lượng kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, nhu cầu đối với ô tô của Đức đã giảm trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển hướng sang xe điện.
Công nhân lắp ráp động cơ tại nhà máy ô tô Daimler ở Berlin, Đức. Ảnh: Getty Images |
Ngành công nghiệp Đức liệu có thể bị đình trệ?
Các nhà kinh tế đang dự đoán rằng lĩnh vực công nghiệp, vốn là trụ cột của nền kinh tế Đức, sẽ vẫn trì trệ trong năm nay thay vì phục hồi như kỳ vọng, làm giảm triển vọng phục hồi kinh tế. Các chuyên gia tuyên bố rằng triển vọng rất ảm đạm vì quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo giá cả phải chăng có thể mất nhiều năm.
Sức mạnh của EU chịu ảnh hưởng lớn?
Nền kinh tế Đức, trước đây là động lực đáng tin cậy để kéo Liên minh châu Âu ra khỏi khủng hoảng, nay lại trở thành mắt xích yếu ớt. Các nhà kinh tế nhận thấy tốc độ tăng trưởng của Đức tụt hậu so với phần còn lại của khu vực trong nhiều năm tới, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo đây sẽ là nền kinh tế G7 hoạt động kém nhất trong năm nay.
Theo TTXVN/Tintuc