Những ngày qua, thời tiết liên tục nắng nóng gay gắt, mức nhiệt có lúc lên đến 38-39 độ C khiến cho nhiều người cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, nhất là những người lao động phải làm việc ngoài trời. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, ngành Y tế đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát trong cộng đồng.
Khám bệnh cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi tỉnh. |
Ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh dịch và chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng các cấp chủ động giám sát để có biện pháp dự phòng tích cực, phối hợp công tác điều trị, khống chế không để lây lan thành dịch; đồng thời tăng cường truyền thông để người dân nâng cao nhận thức, hình thành ý thức vệ sinh phòng, chống dịch bệnh. Vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao cùng nắng nóng kéo dài tạo điều kiện cho nhiều loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng phát triển. Cùng với dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nắng nóng có thể gây bùng phát nhiều dịch bệnh khác như các bệnh về hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay – chân – miệng, sởi… Bác sĩ Hoàng Ngọc Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: những ngày nắng nóng vừa qua, số lượng người đến khám và nhập viện có xu hướng tăng. Từ ngày 17 đến 24-5, có 5.858 lượt người đến khám bệnh; trong đó 906 bệnh nhân nhập viện, các bệnh chủ yếu là tăng huyết áp (636 bệnh nhân), bệnh đái tháo đường (648 bệnh nhân), bệnh cơ tim do thiếu máu cục bộ (251 bệnh nhân), bệnh trào ngược dạ dày – thực quản với viêm thực quản (86 bệnh nhân)… Người có bệnh lý mạn tính, người phải làm việc ngoài trời trong thời gian dài, người già, trẻ em là những nhóm đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng. Đối với người có bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh lý tim mạch, bệnh lý hô hấp mạn tính,… nhiệt độ cao có thể khiến bệnh lý biến chứng không lường trước được. Người già có sức chịu đựng kém, mang nhiều nguy cơ bệnh tật, phản xạ khát kém nên dễ bị thiếu nước… Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không tự điều hòa được thân nhiệt để thích ứng với môi trường xung quanh lại chưa có ý thức về thời tiết nên mải vui chơi, hoạt động kéo dài trong thời tiết nắng nóng dẫn đến nguy cơ bị sốc nhiệt, say nắng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hiền, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi tỉnh cho biết: Thời tiết nắng nóng thất thường, vi khuẩn phát triển mạnh, trong khi sức đề kháng của trẻ bị giảm. Trẻ em bị thiếu nước, tiêu tốn nhiều năng lượng do bài tiết mồ hôi, điều hòa thân nhiệt, dễ bị cảm cúm, sốt và các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa.
Để chủ động phòng chống các bệnh mùa hè, các bệnh do thời tiết nắng nóng cho trẻ, phụ huynh cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ; cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và các yếu tố vi lượng gồm vitamin A và khoáng chất cho trẻ hàng ngày. Đặc biệt, trong thời gian trẻ mắc bệnh phải bổ sung thêm chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Cần tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Không cho trẻ vui chơi ngoài trời khi nhiệt độ cao, vệ sinh mũi họng hàng ngày để làm sạch và giúp thông thoáng đường thở. Nếu trẻ có những biểu hiện như sốt cao, li bì, khó thở, nôn mửa, tiêu chảy kèm xuất huyết, cần cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị. Đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, nếu không biết tự trang bị, bảo vệ sức khỏe có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, say nắng, ngất xỉu, thậm chí đột quỵ. Anh Trần Văn Nam (thành phố Nam Định) cho biết: Tôi là nhân viên giao hàng, thời gian chủ yếu đi trên đường, mấy ngày vừa qua thời tiết nắng nóng liên tục, mặc dù thường xuyên mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, đội mũ, đeo kính và mang theo chai nước nhưng vẫn ra nhiều mồ hôi khiến tôi nhanh khát nước, mệt mỏi, có lúc khó thở. Để đảm bảo sức khỏe, tôi đi làm sáng sớm hơn, chiều nghỉ muộn hơn, tránh thời gian nắng nóng cao điểm từ 12 giờ đến 15 giờ.
Khám bệnh cho trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu. |
Theo các bác sĩ khuyến cáo, nắng nóng kéo dài là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh về da như mẩn ngứa. Các tia bức xạ như UVA, UBV chiếu trực tiếp trên da có thể gây nên các bệnh viêm da, dày sừng, cháy nắng, ung thư da… Vì vậy, khi cần ra ngoài, mỗi người cần mặc quần áo dài tay, đội mũ để tránh ánh nắng mặt trời tác động trực tiếp vào da. Những ngày trời nóng, nên uống nhiều nước hơn bình thường. Nắng nóng làm con người đổ mồ hôi nhiều hơn, nên uống nước trước khi cảm thấy khát để tránh mất nước. Người dân cũng cần tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh có tác dụng thanh nhiệt, uống nhiều nước chanh, cam, nước dừa… Khi mới ở nơi có nhiệt độ cao ra thì không nên tắm ngay bằng nước lạnh, thay vào đó nên nghỉ ngơi để cơ thể hạ nhiệt, uống bù lại nước, để ráo mồ hôi. Sau khi tắm xong cũng không nên vào ngay phòng điều hòa để nhiệt độ quá thấp. Những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao không nên qua lại giữa môi trường nóng – lạnh đột ngột, đặc biệt chú ý khi sử dụng điều hòa, không để nhiệt độ chênh lệch quá cao so với môi trường bên ngoài rất dễ gây ra tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nhiệt độ lý tưởng của điều hòa là khoảng 27 độ, những ngày quá nóng cũng chỉ nên chênh lệch với môi trường bên ngoài tối đa 10 độ C. Các trường hợp sốc nhiệt hoặc say nắng có các biểu hiện như: mặt đỏ bừng, da khô nóng, mệt lả, nôn mửa, đau đầu… người dân cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực nắng nóng, đưa đến nơi râm mát, nới rộng quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm toàn thân. Nếu bệnh nhân tỉnh thì cho uống nước mát để bù nước, nhanh chóng gọi 115 cấp cứu hoặc bố trí phương tiện phù hợp để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Khi bị say nắng, không nên cạo gió, không xức dầu nóng. Sau khi đã xử trí xong thì nên ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, uống nhiều nước, ăn thêm rau quả tươi…
Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, năm 2023 có khả năng nắng nóng gay gắt và có nhiều ngày nắng nóng hơn so với năm 2022 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Với tinh thần sẵn sàng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngành Y tế tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư, hóa chất cần thiết để đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường giám sát, điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch tại cộng đồng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không để dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng. Bên cạnh sự nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, người dân cần chủ động tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Hầu hết bệnh mùa nóng thường không đáng sợ nhưng nếu người bệnh chủ quan, không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển hướng xấu, trầm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì thế người dân cần lưu ý theo dõi sức khỏe của bản thân mình, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Khi có biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời./.
Bài và ảnh: Minh Tân