Những năm qua, giao thông đường thủy luôn được bảo đảm an toàn, giao thông thuận tiện, thông suốt. Để duy trì, bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp thiết thực.
Bến phà Cồn Nhất, xã Hồng Tiến (Kiến Xương).
Cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, các lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy đến chủ bến đò, phà, chủ phương tiện và người dân nơi có hoạt động đường thủy nội địa; qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng về ATGT đường thủy; xây dựng môi trường giao thông đường thủy văn minh, an toàn; phòng ngừa tai nạn, giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm trật tự ATGT đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão.
Trung tá Đỗ Ngọc Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT đường thủy; đồng thời, hướng dẫn chủ bến, người điều khiển phương tiện, hành khách thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo đảm ATGT đường thủy, kiên quyết không để phương tiện không đủ điều kiện hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa.
Bến phà Cồn Nhất, xã Hồng Tiến (Kiến Xương) giáp thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy (Nam Định) thường xuyên có lượng khách khá đông do nhu cầu đi lại, giao thương giữa hai vùng đã có từ lâu đời. Bình quân mỗi ngày có khoảng trên 500 lượt người, phương tiện qua phà. Vì thế, việc bảo đảm trật tự ATGT đường thủy được Ban Quản lý bến và chủ phương tiện hết sức coi trọng.
Ông Nguyễn Văn Tân, lái phà bến phà Cồn Nhất cho biết: Trong những năm qua, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động để chủ đò, phà và người tham gia giao thông nêu cao ý thức trách nhiệm bảo đảm ATGT. Lái phà mùa mưa bão phức tạp hơn, nhất là khi gặp mưa to, gió lớn. Việc điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định, nếu xảy ra các hiện tượng thời tiết như dông, sét phải dừng hoạt động bến phà. Phà chở nhiều người, lại di chuyển trên sông nên cần bảo đảm an toàn.
Thái Bình là tỉnh có mạng lưới giao thông đường thủy dày đặc với trên 80 bến đò ngang đang hoạt động, số lượng hành khách qua lại đông.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Giao thông Vận tải, ngay từ đầu năm Thanh tra Sở đã chủ động phối hợp với phòng kinh tế và hạ tầng, công an các huyện, thành phố kiểm tra bến đò, phương tiện, người điều khiển phương tiện chở khách ngang sông trên địa bàn tỉnh. Sau khi kiểm tra 66 bến đò với 65 phương tiện trên địa bàn 8 huyện, thành phố, có 16 bến đò, phương tiện không đủ điều kiện hoạt động chở khách ngang sông. Lực lượng chức năng đã lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động cho đến khi đủ điều kiện hoạt động. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng cũng kiên quyết lập biên bản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy như phương tiện không bảo đảm an toàn, chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định… Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền tới các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đường thủy nội địa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, tuyệt đối không chở quá số người quy định, yêu cầu hành khách khi đi đò phải mặc áo phao hoặc cầm, đeo dụng cụ nổi theo quy định nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố xảy ra.
Với những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết như hiện nay, các lực lượng chức năng của tỉnh, các địa phương và từng người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, không chủ quan, luôn sẵn sàng ứng phó, thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm ATGT đường thủy.
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động của các bến đò và phương tiện chở khách ngang sông.
Nguyễn Thơi