Trung QuốcKhu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ngọa Long ở tỉnh Tứ Xuyên chia sẻ thước phim ghi hình con gấu trúc toàn thân trắng muốt hôm 27/5.
Con gấu trúc được cho là khoảng 5 – 6 tuổi và dường như không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Camera của khu bảo tồn lần đầu tiên phát hiện con vật đặc biệt hồi tháng 4/2019 ở độ cao 2.000 m phía trên mực nước biển. Ban quản lý công bố những bức ảnh của gấu trúc bạch tạng với bộ lông trắng và đôi mắt đỏ vào tháng 5 năm đó.
Từ sau đó, các nhà quản lý bố trí một đội chuyên gia để theo dõi con vật, theo CCTV. Các nhà khoa học nghiên cứu thói quen thường ngày của gấu trúc, đồng thời lắp đặt nhiều camera kích hoạt bằng cử động để ghi hình con vật di chuyển. Thước phim mới cho thấy nó tương tác với một số con gấu trúc màu trắng – đen bình thường khác ở độ cao 2.600 m phía trên mực nước biển.
Đây là con gấu trúc bạch tạng duy nhất được ghi hình trong tự nhiên, theo Li Sheng, nhà nghiên cứu ở Trường khoa học đời sống thuộc Đại học Bắc Kinh. “Chúng tôi vẫn chưa rõ liệu gene của nó có phải được kế thừa và truyền ổn định trong quần thể gấu trúc nhỏ hay không. Chúng tôi cần tiến hành thêm nghiên cứu chuyên sâu”, Li chia sẻ.
Trung Quốc cũng phát hiện 10 con gấu trúc nâu hiếm trong tự nhiên từ năm 1985 đến năm 2021, trong số đó có con đực tên Qizai, phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11/2009 ở Khu bảo tồn tự nhiên quốc gia Phật Bình thuộc tỉnh Thiểm Tây. Khi đó, Qizai khoảng hai tháng tuổi. Nó đang được nuôi nhốt tại trung tâm nghiên cứu nhân giống gấu trúc trong tỉnh. Con gấu trúc nâu đầu tiên được tìm thấy năm 1985 là một con cái tên Dandan, qua đời năm 2000 do ung thư.
Gấu trúc lớn là động vật bản xứ ở Trung Quốc, chuyên ăn lá tre và chủ yếu sống trên những dãy núi ở tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc. Báo cáo đa dạng sinh thái năm 2021 của Trung Quốc cho biết có khoảng 1.860 con gấu trúc trong tự nhiên. Gấu trúc bạch tạng là kết quả của đột biến gene vô cùng hiếm gặp, khiến con vật mất khả năng tạo ra sắc tố melanin.
An Khang (Theo SCMP)