8h sáng ngày 29/5, tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (TP.HCM), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ TT&TT và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu, vĩnh biệt nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân (tự Ba Thân).
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do tuổi cao, sức yếu, đồng chí Đặng Văn Thân đã từ trần hồi 21 giờ 37 ngày 24-5-2023 (tức ngày 6 tháng 4 năm Quý Mão) tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi.
8h sáng ngày 29/5, tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (TP.HCM), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ TT&TT và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu, vĩnh biệt nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân (tự Ba Thân). |
Hàng ngàn người với niềm thương tiếc vô hạn đã nghiêng mình tiễn biệt AHLĐ Đặng Văn Thân về với đất mẹ Bến Tre – Ảnh: VNN |
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đọc điếu văn tiễn biệt. Hơn 50 năm tham gia hoạt động cách mạng, AHLĐ Đặng Văn Thân đã trải qua nhiều vị trí công tác trong ngành Bưu điện. Ông là cán bộ lãnh đạo cấp cao có lối sống liêm khiết, khiêm tốn, giản dị, trong sáng, trung thành và chấp hành tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng, suốt đời luôn tâm huyết, tận tụy, kiên quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm – Ảnh: VNN |
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành TT&TT và hàng ngàn người đã thắp nén nhang tiễn biệt ông. Các đồng chí, đồng nghiệp của AHLĐ Đặng Văn Thân hứa luôn đoàn kết nhất trí xây dựng ngành TT&TT ngày càng phát triển, vững mạnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà toàn Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước – Ảnh: VNN |
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải thắp nén nhang tiễn biệt ông Ba Thân – Ảnh: VNN |
Các lãnh đạo ngành TT&TT tiễn biệt ông Ba Thân. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, toàn ngành sẽ nguyện noi gương, tiếp bước “tinh thần Ba Thân” xây dựng ngành ngày càng phát triển, vững mạnh. “Tinh thần Ba Thân” đã đưa ngành Bưu điện trở thành một trong những ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, nâng cao vị thế của ngành trên trường quốc tế – Ảnh: VNN |
Những đóng góp lớn lao của ông Ba Thân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng nhất, Huân chương Lao động Hạng nhất; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Trong ảnh: Gia quyến, người thân đưa ông về với đất mẹ – Ảnh: VNN |
TÓM TẮT TIỂU SỬ ĐỒNG CHÍ ĐẶNG VĂN THÂN
Đồng chí Đặng Văn Thân, sinh ngày 6-11-1932. Quê quán xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre (nay là xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre); thường trú tại số nhà 7A/42-44 Thành Thái, phường 14, quận 10, TPHCM. Đồng chí tham gia cách mạng năm 1950, vào Đảng năm 1954. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC – Tháng 10-1950 đến tháng 6-1951: Đồng chí gia nhập bộ đội và học lớp vô tuyến điện 6 tháng do Bộ Tư lệnh Khu 9 mở. – Tháng 6-1951 đến tháng 12-1954: Hiệu thính viên Đài vô tuyến điện phòng quân giới khu miền Tây Nam bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Văn phòng Biên giới. – Tháng 12-1954 đến tháng 3-1955: Đồng chí tập kết ra Bắc và học tập tình hình nhiệm vụ mới. – Tháng 3-1955 đến tháng 5-1957: Chuyển về Bưu điện để phụ trách Đài vô tuyến điện công trường số 111 Lai Châu thuộc Nha Giao thông. – Tháng 5-1957 đến tháng 11-1959: Công tác tại Đài thu: nhân viên rồi Trưởng phiên, Bí thư thanh niên của Đài. – Tháng 11-1959 đến tháng 6-1961: Học bổ túc văn hóa cấp III và học ngoại ngữ để đi học nước ngoài. – Tháng 7-1961 đến tháng 7-1967: Học trường Đại học Bách khoa Khắc-Cốp, Liên Xô (cũ), tham gia Chi ủy và Ban Chấp hành Chi hội sinh viên của Trường. – Tháng 8-1967 đến tháng 12-1968: Đồng chí về nước công tác tại Phòng Kỹ thuật rồi sang Viện Khoa học – Kỹ thuật Bưu điện. – Tháng 12-1968 đến tháng 4-1975: Đồng chí là Phó khoa đến tháng 9-1975 Trưởng khoa Vô tuyến điện thuộc Viện Khoa học – Kỹ thuật Bưu điện. – Tháng 4-1975: Đồng chí là Viện phó Viện Khoa học – Kỹ thuật Bưu điện và tham gia các khóa Chi ủy và Liên chi của Viện. – Tháng 5-1975 : Đồng chí vào tiếp quản Bưu điện Sài Gòn, sau đó làm Cục phó Cục Điện chính, Phó Giám đốc Trung tâm Viễn thông, quyền Giám đốc Trung tâm Viễn thông, trong thời gian đồng chí Giám đốc đi học dài hạn. – Tháng 5-1978 đến tháng 5-1982: Đồng chí là Quyền Tổng cục trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Điện chính; Giám đốc Trung tâm Viễn thông 3. – Tháng 5-1982 đến tháng 6-1984, đồng chí được điều ra Hà Nội giữ trọng trách Quyền Cục trưởng, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện (năm 1986), Bí thư Ban Cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, Đại biểu Quốc hội khóa VII. Với trọng trách là người đứng đầu ngành Bưu điện, đồng chí đã cùng tập thể Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Tổng cục Bưu điện có những đề xuất, sáng tạo đột phá cho ngành Bưu điện Việt Nam về công nghệ hiện đại số hóa, tự động hóa, đa dịch vụ hóa. Những giải pháp trên đã góp phần để ngành Bưu điện đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực về phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, về phát triển máy, xây dựng ngành công nghiệp thông tin, đặc biệt là các chỉ tiêu về tăng trưởng tài sản, doanh thu, nộp ngân sách…; là một trong những ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; vị thế của Bưu điện Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đồng chí đã có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huy hiệu 70 năm tuổi đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. |
(Tổng hợp)
Vnmedia.vn