Quý I, Tập đoàn Nagakawa ghi nhận doanh thu cao nhất và lợi nhuận cao thứ hai lịch sử hoạt động nhờ có chiến lược marketing hiệu quả.
Doanh thu Công ty cổ phần Tập đoàn Nagakawa (NAG) đạt hơn 533 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ và là quý thứ ba liên tiếp tăng trưởng. Tuy nhiên giá vốn bán hàng đội lên nhanh hơn khiến biên lãi gộp giảm về 11%. Trong kỳ, chi phí lãi vay cũng tăng mạnh hơn 66% khi doanh nghiệp này đang có gần 890 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính.
Dẫu vậy, Nagakawa vẫn lãi sau thuế gần 10 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban lãnh đạo lý giải năm nay các hoạt động đã đi vào ổn định và có hiệu quả, giúp chi phí đầu tư cho công tác bán hàng giảm. Kỳ này, chi phí bán hàng được tiết kiệm hơn 37% so với quý I/2022.
Đây là quý có doanh thu cao nhất và lợi nhuận sau thuế cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của Nagakawa. Sau quý đầu năm, doanh nghiệp này cũng hoàn thành hơn một phần tư kế hoạch kinh doanh đề ra cho năm 2023.
Tập đoàn Nagakawa là một trong những đơn vị sản xuất điện máy nội địa tiên phong từ năm 2002 với sản phẩm chủ lực là điều hòa không khí (máy lạnh), chiếm 70% doanh thu. Đây cũng là đơn vị duy nhất trong ngành đang niêm yết cổ phiếu trên sàn, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Từ năm 2021 đến nay, bất chấp đại dịch, kết quả kinh doanh của Nagakawa ngày càng khả quan. Trước đó, doanh thu hàng năm của công ty thường không vượt nổi mốc 300 tỷ đồng, lợi nhuận cả năm chỉ quanh mức 10 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng phổ biến ở ngưỡng rất thấp chỉ 1-3%.
Lãnh đạo Nagakawa nhiều lần cho biết rủi ro thường trực của công ty là sự cạnh tranh “vô cùng khốc liệt” với 100 hãng điều hòa. Doanh nghiệp luôn có biên lợi nhuận ròng thấp do giảm giá bán trước sức ép từ hàng giá rẻ của Trung Quốc. Ngoài ra để tăng doanh số, Nagakawa cũng phải đánh đổi bằng các khoản ngân sách lớn cho tiếp thị, trong khi mạng lưới kênh phân phối vẫn còn hạn chế, nhất là ở các hệ thống bán lẻ điện máy lớn.
Với kết quả kinh doanh tích cực, thời gian tới, hãng này muốn vào top 5 thương hiệu sản xuất và phân phối máy lạnh, dẫn đầu trong ngành thiết bị nhà bếp cao cấp tại Việt Nam. Công ty dồn lực mở rộng thị trường và kênh phân phối mới, trong đó tập trung tái thiết thị trường miền Nam, củng cố kênh bán hàng truyền thống tại miền Bắc và phát triển chuyên sâu kênh thương mại điện tử. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu tiếp cận 12.000 điểm bán hàng trên cả nước.
Riêng năm nay, Nagakawa muốn có doanh thu tăng 6% trong khi lợi nhuận dự kiến tăng gần một nửa. Kế hoạch trên khá thách thức trong bối cảnh chi tiêu người dân ngày càng giảm. Thời gian qua, các chuỗi bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động hay FPT Retail đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan, các chuỗi bán hàng có quy mô nhỏ hơn cũng cho biết sức mua hàng điện máy đang ở mức thấp kỷ lục.
Tuy nhiên, dòng sản phẩm chủ lực của Nagakawa là máy lạnh giá “vừa túi”, khoảng 7-10 triệu đồng. Đây lại là nhóm có nhiều tiềm năng tiêu thụ, khi tâm lý ưu tiên chọn giá rẻ hơn trên cùng một loại sản phẩm, đang thịnh hành. Chưa kể, nắng nóng tăng cường trong năm nay cũng giúp máy lạnh có nhu cầu cao hơn trước.
Tất Đạt