Bát nháo, ô nhiễm ánh sáng, tiếng ồn
Anh Hà Phương, doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực ở Bali (ndonesia), trong lần về Việt Nam giữa tháng 5 đã ghé qua phố Tây Bùi Viện và cảm thấy “choáng váng”.
“Cảm nhận của tôi khi đến Bùi Viện là một không gian bát nháo, ô nhiễm âm thanh, ô nhiễm ánh sáng quá mức. Tôi hoàn toàn ủng hộ thành phố xây dựng khu vui chơi, quậy chút cũng được nhưng phải được quản lý chặt chẽ hơn”, anh Phương chia sẻ.
Anh Phương nhận xét, nhiều quán bar có các “cô gái ăn mặc sexy nhảy cột” khiến không khí ở phố đi bộ Bùi Viện thêm chút “sắc màu cuộc sống”. Tuy nhiên, các tiết mục giải trí “không dành cho trẻ em” cần được tổ chức kín đáo hơn vì phố đi bộ hiện đang dành cho tất cả mọi người.
“Nếu không quản lý và thả lỏng sẽ khiến phố đi bộ Bùi Viện phức tạp hơn, biến nơi này trở thành điểm đến của người lớn, không phù hợp là không gian vui chơi giải trí của mọi đối tượng, mọi lứa tuổi du khách như từ trước đến nay hướng tới”, anh Hà Phương lo.
Có mặt ở phố Tây đêm cuối tuần, từ 8 – 9 giờ trở đi, không khí ở đường Bùi Viện trở nên khác lạ. Ban đầu là âm nhạc mạnh hết cỡ nhưng sau đó sẽ xuất hiện các cô gái, chàng trai với trang phục tiết kiệm vải nhất bước lên sân khấu nhỏ được đặt ngay mặt tiền. Tất cả đều cực kỳ sexy, nhảy những vũ điệu khêu gợi nhất. Bàn ghế cũng tràn ra chiếm hết lòng đường, gần như không có lối đi dành cho người đi bộ cộng với tình trạng chào mời, chèo kéo du khách vào quán của nhân viên đã khiến phố đi bộ trở nên bát nháo.
Anh Hoàng Việt Hưng, du khách ở Đức về Việt Nam chơi, cho rằng: “Phố Tây Bùi Viện hiện nay khá giống Soi Cowboy ở Phuket, các con đường nhỏ ven biển ở Pattaya hay Patong ở Bangkok dù quy mô các phố này ở Thái Lan rộng lớn hơn rất nhiều. Nói chung là mình khá bất ngờ vì Bùi Viện thay đổi, vui chơi ‘chóng mặt’ hơn trước”.
Xem nhanh 12h ngày 30.5: Nổ súng bắn loạn xạ trong hẻm | Truy bắt cướp như phim hành động
Làm gì để Bùi Viện thoát khỏi mô hình phố nhậu?
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí cho biết: Phố đi bộ Bùi Viện bát nháo, có “điểm mới” so với các phố đi bộ khác trong cả nước là nhảy nhót sexy. Nhưng thực tế từ khi ra đời, phố đi bộ Bùi Viện chưa thoát khỏi mô hình một phố ăn nhậu vì lịch sử, điều kiện hạ tầng, quy hoạch, quản lý để lại. “Con phố là một phần kinh tế đêm nhưng để trở thành một sản phẩm du lịch về đêm đúng nghĩa cần đầu tư tiền của, thương hiệu, nhân lực và cộng đồng ở đó cũng phải thay đổi cách kinh doanh. Còn nếu cứ để phố đi bộ Bùi Viện trở thành phố ăn nhậu, vui chơi nhảy nhót sexy thì doanh thu cũng sẽ tăng, nhưng hệ quả xã hội phát sinh nhiều hơn. Liệu có thể bảo vệ lớp trẻ Việt Nam và chỉ khoanh vùng dành cho người nước ngoài hay không? Chắc chắn không”, ông Chí phân tích.
Theo ông Chí, nên quản lý an ninh trật tự chặt chẽ để không phát sinh các kiểu tệ nạn mới. Đồng thời quy hoạch lại các tuyến đường xung quanh thành các khu mua sắm, ăn uống, dịch vụ du lịch hỗ trợ để ăn theo như spa, chăm sóc sức khỏe, y tế, nhà hàng… Khi nhận ra nhu cầu khách thay đổi, dân ở đó sẽ chuyển hướng kinh doanh. Còn biến nó thành phố ăn nhậu, nhảy nhót thì phải phù hợp với định hướng và mô hình xã hội.
Ông Chí dẫn chứng, trên thế giới có nhiều phố đi bộ nổi tiếng được quy hoạch trở thành con phố cao cấp. Ví dụ Mykonos, thành phố ven biển của Hy Lạp, điểm đến tràn ngập du khách châu Âu. Các khu phố đều được xây dựng thành phố đi bộ với những hẻm nhỏ thông nhau mà trong các con hẻm đó, nhà hàng, cửa hàng mua sắm cao cấp dày đặc. Ở khu phố này, du khách không thể thấy những quán bar nhảy sexy vì tất cả đều nằm bên trong kín đáo. Du khách đến đây, dĩ nhiên có cả thanh niên trẻ tuổi “ăn chơi tới bến” nhưng cũng có những gia đình đi cùng con cái, người già…
“Phố đi bộ Bùi Viện nên được định hình thành con phố mà bất kỳ du khách nào cũng có thể đến đây tham quan, vui chơi. Còn như hiện nay, chắc chắn các nhóm khách gia đình không đưa con cái tới nơi này, kể cả du khách phương Tây có cái nhìn thoáng hơn”, anh Hưng phát biểu.
Du khách quốc tế nói gì về phố Tây Bùi Viện?
-Con phố này rất nhộn nhịp, rất ồn ào và nhân viên các quán bar tranh giành khách bằng âm nhạc rất lớn, cố gắng lôi kéo bạn vào quán. Nếu bạn thích tiệc tùng thì nơi này có lẽ thích hợp, mặc dù đắt hơn những nơi khác. Rất nhiều đồ uống và không ít người hít bóng cười nên chắc chắn không phải là nơi dành cho trẻ em (Scoutts, Anh).
-Ánh đèn neon chói mắt nhưng nó mờ nhạt so với tiếng nhạc khủng khiếp chói tai từ mọi quán bar đầy những cô gái nhảy múa trên bục bên ngoài cửa, những nhân viên liên tục chạm vào người bạn và cố gắng kéo bạn vào quán bar đó (Luca K, Úc).