Hàng ngày khi lưu thông trên đường, mọi người rất dễ bắt gặp hình ảnh tại các ngã ba, ngã tư, tín hiệu đèn đỏ bật lên, tất cả phương tiện đều phải dừng lại. Người đến trước dừng trước là điều hiển nhiên. Tuy vậy, vẫn không ít trường hợp, người đến sau “cố chạy”, “len lỏi” để lên trước, đậu qua vạch dừng chờ tín hiệu đèn, vi phạm luật giao thông và gây mất an toàn cho bản thân. Ngoài ra, còn có việc dừng chắn cả lối rẽ phải dành cho xe 2 bánh, khiến xe 2 bánh phía sau không thể rẽ phải gây ra cảnh ùn ứ, hằn học lẫn nhau.
Phổ biến hơn là đèn báo tín hiệu giao thông còn vài giây nữa mới chuyển sang màu xanh, nhưng ở phía sau đã nhấn còi thúc giục người phía trước, tạo ra âm thanh hỗn loạn, ầm ĩ cả khu vực… chỉ vì mong muốn được đi nhanh một chút. Nhưng đi nhanh một chút đâu thể giải quyết được vấn đề, thể hiện ý thức kém, thiếu văn hóa của một bộ phận người tham gia giao thông.
Theo Luật Giao thông đường bộ, vào vòng xuyến thì phải nhường đường cho xe bên tay trái. Thực tế cho thấy, các phương tiện đáng lẽ được nhường thì… phải nhường ngược lại. Có xe ôtô cách vòng xuyến khá xa, nhưng đã bóp còi in ỏi, nhấn ga chạy thật nhanh để được đi trước. Trong khi đó, xe đã ở trong vòng xuyến phải đứng chờ, không dám chạy qua vì sợ gây ra tai nạn giao thông. Điều này thể hiện sự ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân.
Ban đêm thì một số người bị tra tấn bởi đèn xe. Công nghệ phát triển, xe gắn máy, ôtô được trang bị đèn led, sáng hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn. Theo quy định, trong nội ô chỉ cho phép bật đèn ở chế độ đèn chiếu gần, tránh gây chói mắt người điều khiển phương tiện chiều ngược lại. Nhưng rất nhiều phương tiện lại để chế độ đèn chiếu xa nên đã xảy ra tai nạn do những ánh đèn vô ý thức này.
Trưa hè oi bức, dễ bực bội, cộng tiếng còi xe inh ỏi, làm tăng thêm căng thẳng khi lưu thông. Xe tải, xe khách, container trang bị còi âm lượng lớn, mỗi khi phát ra làm người đi đường giật bắn. Không ít tài xế bóp còi vì thói quen, chứ không nhằm biểu đạt ý muốn báo hiệu, xin đường… Có trường hợp chở trẻ nhỏ phía trước, trẻ liên tục bóp còi. Người nhà thấy “vui tai”, chứ người xung quanh thấy khó chịu, phiền phức vô cùng.
Đối với người đi bộ, khi băng sang đường, phải đi trên vạch kẻ dành riêng cho người sang đường. Luật Giao thông đường bộ quy định rất rõ, các phương tiện phải nhường đường cho người đi bộ sang đường ở những nơi không có tín hiệu đèn giao thông, nhằm bảo đảm an toàn cho người đi bộ.
Thực tế tại các tuyến đường cho thấy, không ít phương tiện cứ chạy tốc độ “vù vù”, mặc kệ người đi bộ đang rất vất vả né tránh phương tiện, lần dò từng bước một để sang đường. Hiện tại, mức xử phạt đối với lỗi vi phạm như thế này quá nhẹ (từ 200.000 – 400.000 đồng, theo Nghị định 100/NĐ-CP), không đủ tính răn đe; lực lượng thực hiện nhiệm vụ ít khi phát hiện, xử phạt những lỗi như thế này.
Còn rất nhiều tình huống mà người tham gia giao thông phải chấp nhận, im lặng cho qua, tránh mâu thuẫn không đáng có. Để tạo được văn hóa giao thông, xây dựng ý thức giao thông cho mỗi người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông; xử phạt thật nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông… từ những lỗi tưởng nhỏ, nhưng vẫn có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.
Cùng với đó, mỗi người phải tự ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, thể hiện văn hóa khi tham gia giao thông, chấp hành quy định từ điều đơn giản, nhỏ nhặt nhất. Ứng xử của người khác gây khó chịu cho mình, thì mình ý thức làm tốt, làm đúng, tránh làm người khác khó chịu tương tự. Mỗi phụ huynh trở thành tấm gương, dạy cho con em hiểu rõ hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông, giúp các em khắc sâu ý thức, luôn chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ khi trưởng thành.