PHỤ NỮ KHÔNG CHỈ BIẾT LÀM ĐẸP, SINH CON VÀ ĐI CHỢ
Có một thời người ta coi phụ nữ không hợp với bóng đá. Phụ nữ có thể trở thành những tay vợt xuất sắc, những VĐV điền kinh nổi tiếng đi vào lịch sử, những huyền thoại trong các môn khác như bóng chuyền, nhưng bóng đá giống như một vùng cấm mà ở đó người ta không thể hình dung nổi phụ nữ lại có thể thi đấu như đàn ông.
World Cup nữđầu tiên tổ chức ở Trung Quốc vào năm 1991 giống như một nhát búa khủng khiếp đập tan bức tường định kiến giới trong bóng đá. World Cup ấy, tuy thế, vẫn chưa cho ra đời thứ bóng đá hấp dẫn và thu hút đông đảo công chúng đến sân và trước màn hình ti vi như hiện tại. Chất lượng thi đấu không có gì quá đặc biệt và mỗi hiệp đấu chỉ kéo dài 40 phút, ít hơn bóng đá nam 5 phút. Người ta chứng kiến các trận đấu và sự phát triển của bóng đá nữ với sự hoài nghi và châm biếm. Và chỉ có sự mạnh mẽ, dũng cảm và cố gắng vượt bậc của các đội tuyển nữ trên thế giới trong các giải World Cup cứ 4 năm một lần dần dần phá bỏ tất cả những nghi ngại và phân biệt về giới.
Thậm chí, đôi khi, chỉ một hành động cũng có thể tạo ra những làn sóng khác biệt nhằm nâng cao hình ảnh của những người phụ nữ đá bóng. Ở World Cup 1999, sau khi ghi bàn quyết định trong trận chung kết đem lại chức vô địch cho đội tuyển Mỹ trước sự chứng kiến của hơn 90.000 khán giả trên sân Rose Bowl (Mỹ), hậu vệ Brandi Chastain đã cởi phăng áo đấu, chỉ để lộ chiếc áo lót cầu thủ bên trong, trong một pha ăn mừng đi vào lịch sử, giống hệt như các đồng nghiệp nam giới vẫn thường làm.
Thông điệp quả là rõ ràng: không có vùng cấm cho phụ nữ trong thể thao. Mọi sự so sánh với bóng đá đều trở nên khập khiễng và bóng đá nữ có sức thu hút riêng của nó. Đấy không còn là giải đấu phục vụ cho các khán giả nữ hoặc đơn giản chỉ là một sân chơi riêng cho phái yếu yêu bóng đá, nó đã thu hút ngày càng nhiều lượng khán giả hâm mộ là cánh mày râu, những người không coi việc phụ nữ sinh ra là chỉ để làm đẹp, sinh con, làm bếp và đi chợ! Họ cũng không xem bóng đá nữ chỉ vì những nữ cầu thủ xinh đẹp kiểu Alex Morgan, họ chú ý hơn đến sân chơi này bởi chất lượng thi đấu ngày càng nâng cấp qua từng World Cup và bản thân các cầu thủ nữ cũng trở thành lực lượng tiên phong trong việc đòi hỏi các quyền của họ.
WORLD CUP NỮ NGÀY CÀNG CUỐN HÚT, HẤP DẪN
Chưa ai quên cuộc chiến đòi được hưởng thu nhập ngang bằng với các cầu thủ bóng đá nam mà đội tuyển nữ Mỹ đã phát động ở World Cup 2019. World Cup nữ đã trở thành những cơ hội để cầu thủ không chỉ thể hiện hết mình, trong một thứ bóng đá ngày càng trở nên cuốn hút và đưa ngày càng nhiều khán giả đến các sân bóng hơn (số khán giả trung bình trận đã tăng từ 4.316 người/trận ở World Cup 1995 lên tới gần 22.000 người/trận ở World Cup 2019), mà còn là dịp tuyệt vời để nói lên chính kiến của họ về những vấn đề đáng quan tâm.
World Cup 2023 chứng kiến một sự thay đổi lớn cho thấy bóng đá nữ đang ngày càng phát triển. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, giải đấu được tổ chức ở hai quốc gia và số lượng đội tham dự vòng chung kết đã tăng từ 24 lên 32. Điều này phản ánh sự thật rằng bóng đá nữ ngày càng gây sự chú ý lớn với đông đảo công chúng và các nhà tài trợ. Bóng đá nữ Mỹ vẫn đang thống trị. Họ đã 4 lần vô địch World Cup trong 8 lần giải được tổ chức (các chức vô địch còn lại thuộc về Đức 2 lần, Na Uy và Nhật Bản cùng 1 lần), nhưng sự phát triển lên mức chuyên nghiệp được tiến hành rộng rãi ở nhiều nền bóng đá lớn châu Âu.
ĐỘI TUYỂN NỮ Việt Nam VÀ DẤU ẤN LỊCH SỬ
Ở World Cup này, lần đầu tiên đội tuyển nữ Việt Nam có vé tham dự. Dù chúng ta đứng ở hạng 35 thế giới, là một nền bóng đá nữ mạnh ở châu Á, nhưng chắc chắn hành trình sắp tới ở New Zealand sẽ cực kỳ khó khăn, khi chúng ta phải đối mặt với đương kim vô địch Mỹ, đương kim á quân Hà Lan và Bồ Đào Nha, đội đang đứng trước chúng ta 14 bậc trên xếp hạng FIFA. Những cô gái kim cương là nữ hoàng ở Đông Nam Á, là người chinh phục các tấm huy chương vàng SEA Games, nhưng World Cup rõ ràng ở một tầm hoàn toàn khác hẳn. Nhưng việc có mặt ở đó làm nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam.
Dù thế nào đi chăng nữa, World Cup cũng sẽ là một hành trình khó quên với các nữ cầu thủ và người hâm mộ Việt Nam. Và việc giải đấu được truyền hình trực tiếp ở Việt Nam cũng là cơ hội để chúng ta chứng kiến bóng đá nữ thế giới đã đi xa đến đâu và Việt Nam cần làm gì để phát triển.