BBK – Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân phát biểu trong phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp. |
Đây là lần đầu tiên Quốc hội đưa nội dung này thảo luận tại kỳ họp Quốc hội. Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành.
Các đại biểu đều thể sự đồng tình, đánh giá cao với việc lần đầu tiên Quốc hội đưa nội dung này thảo luận tại kỳ họp.
Qua theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri của các cơ quan chức năng và để kết quả giám sát ý kiến, kiến nghị cử tri ngày càng được nâng cao, bên cạnh các ý kiến, kiến nghị cụ thể của địa phương liên quan đến thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ và sản xuất thuộc các xã khu vực II, III năm 2021, 2022; chính sách hỗ trợ cho các đối tượng hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu; lĩnh vực giao thông, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách Hồ Thị Kim Ngân đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:
Đối với nội dung được đại biểu Quốc hội có ý kiến tại các buổi thảo luận tại kỳ họp, đặc biệt là thảo luận về KT-XH cần được tổng hợp, phân loại và chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, vì đó là những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi gắm đại biểu để chuyển tải đến Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương.
Đề nghị cần xem xét tổ chức giám sát đối với những ý kiến, kiến nghị đã được ĐBQH, các địa phương phản ánh nhiều lần, qua nhiều kỳ họp, từ nhiệm kỳ trước sang nhiệm kỳ sau để kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc kịp thời.
Các ý kiến, kiến nghị cử tri khi được Đoàn ĐBQH tổng hợp gửi Ban Dân nguyện phân loại, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh tình trạng chuyển cơ quan không đúng chức năng cử tri phải chờ đợi quá lâu.
Đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến việc phải xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung văn bản đã ghi rõ lộ trình hoàn thành đối với 574 vấn đề và 55 vấn đề chưa rõ lộ trình hoàn thành cần được quyết liệt chỉ đạo thực hiện theo đúng đề xuất, cam kết cũng như yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong chỉ đạo điều hành để người dân, cử tri không còn cảnh mòn mỏi, chờ đợi, để ĐBQH, Đoàn ĐBQH hoàn thành đầy đủ chức trách nhiệm vụ của mình, luôn nhận được sự tin tưởng, gửi gắm của Nhân dân, cử tri.
Tại phiên thảo luận đã có 21 lượt đại biểu phát biểu ý kiến trực tiếp tại hội trường. Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đây là hình thức giám sát tối cao của Quốc hội, góp phần thúc đẩy trách nhiệm và chất lượng thực hiện của các cơ quan chức năng. Đây cũng là cơ sở thực tiễn phong phú để thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của Quốc hội.
Phó Chủ tịch ghi nhận việc thảo luận diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết, khách quan và sát thực tiễn. Các nội dung sẽ được tổng hợp thành báo cáo gửi đến các vị ĐBQH theo dõi và chuyển đến các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền để xem xét trả lời.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự./.