AnhXuống hạng là cái giá Leicester phải trả cho quá nhiều vấn đề mà họ không thể giải quyết, dù từng được cựu HLV Brendan Rodgers cảnh báo trước thềm Ngoại hạng Anh mùa này.
Vì sao một cựu vương Ngoại hạng Anh phải xuống hạng nhanh đến vậy, chỉ bảy năm sau khi vô địch? Mới 12 tháng trước, Leicester còn vào tới bán kết Cup châu Âu, nhưng mùa tới sẽ phải chơi ở hạng nhất Anh.
Chiến thắng 2-1 trước West Ham trên sân King Power hôm 28/5 không đủ giúp Leicester cải thiện tình thế. Cùng thời điểm trên sân Goodison Park, Everton hoàn thành mục tiêu trụ hạng khi thắng Bournemouth 1-0. “Chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ thắng trận”, tài khoản Twitter của Leicester đăng bài. “Nhưng trang sử gần nhất của đội bóng ở Ngoại hạng Anh đã khép lại”.
Trong lịch sử 31 năm của Ngoại hạng Anh, Leicester là một trong bảy nhà vô địch. Nhưng họ là đội thứ hai trong đó phải xuống hạng, sau Blackburn Rovers. Blackburn trở lại Ngoại hạng Anh sau hai mùa chơi ở hạng dưới, cho đến năm 2012 họ lại xuống hạng lần nữa và chưa hẹn ngày trở lại.
Với các đội xuống hạng, nhiều người sẽ thường trách giới chủ thiếu quan tâm đến đội bóng. Nhưng trường hợp của Leicester lại khác.
Leicester luôn thể hiện là đội bóng đầy tham vọng dưới quyền sở hữu của gia đình Srivaddhanaprabha. Họ đã đầu tư nhiều vào đội bóng, dốc thêm hầu bao kể từ sau chức vô địch Ngoại hạng Anh năm 2016. Trung bình mỗi mùa giải họ chi 87 triệu USD để mua cầu thủ. Giới chủ Thái Lan cũng đãi ngộ cầu thủ ở mức cao hơn, khiến quỹ lương của đội phình to đến mức cao thứ bảy ở Ngoại hạng Anh.
Leicester cũng chi hàng trăm triệu USD để xây sân tập mới tại Seagrave, thuộc quận Charnwood, với ngân sách từ các khoản vay đảm bảo bằng tiền bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh trong tương lai. Khoản thu đó sẽ giảm đáng kể với họ trong thời gian tới do phải chơi ở hạng Nhất, nhưng đội vẫn phải thanh toán tiền lãi và gốc không đổi.
Leicester từng tuyên bố mục tiêu dự cup châu Âu là kế hoạch hàng năm của họ, nên giới chủ muốn tạo ra một cơ sở vật chất tốt nhất. Kể từ khi vô địch năm 2016, họ còn hai lần đứng trong top 5 và được dự Europa League dưới trướng HLV Rodgers. Mùa trước, họ cũng chỉ cách suất dự cup châu Âu một bậc.
Để đáp ứng chi tiêu của giới chủ, Leicester phải thể hiện được thành tích trên sân. Việc không được dự cup châu Âu khiến tình hình tài chính của đội căng thẳng. Họ phải cắt giảm chi tiêu trước sức ép từ UEFA, bởi quy định mới không cho phép đội chi đến 85% doanh thu như Leicester. UEFA đã đặt Leicester vào diện theo dõi, khiến họ không còn dám vung tiền mua sắm trong hè 2022.
Suốt gần ba tháng chuyển nhượng hè, HLV Rodgers không được bổ sung cầu thủ nào đủ sức cạnh tranh vị trí chính trong đội. Leicester chỉ mua trung vệ Wout Faes vào ngày cuối chuyển nhượng với giá 18 triệu USD, sau khi bán Wesley Fofana cho Chelsea với phí 86 triệu USD.
Sau kỳ chuyển nhượng ảm đạm, HLV Rodgers nói rằng mục tiêu của Leicester mùa 2022-2023 là giành 40 điểm – số điểm đảm bảo giúp họ trụ hạng. Khi đó, nhiều người cho rằng ông quá bi quan. Nhưng màn thể hiện của Leicester dần cho thấy HLV người Bắc Ireland đã đúng.
Leicester sa sút về mọi mặt, trong đó có những vấn đề hậu trường như việc thay đổi văn hóa trong đội. Sân tập Seagrave ngốn của đội bóng 124 triệu USD chi phí. “Với một sân tập hoành tráng như thế, các thành viên dễ có cảm giác rằng đội bóng này lớn đến nỗi sẽ không có nguy cơ phải xuống hạng”, báo Anh The Athletic nhận xét.
Leicester cũng hiểu rằng sân tập mới ở đẳng cấp hàng đầu Ngoại hạng Anh. “Khu tổ hợp Seagrave hiện đại bậc nhất, là ngọn hải đăng cho những tham vọng trong tương lai của đội bóng, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Leicester”, trang chủ đội bóng viết trong ngày khai trương sân tập năm 2020.
Nhưng khi đội một Leicester chuyển đến Seagrave, họ còn mất nhiều thứ hơn là tiền mặt. Bầu không khí gia đình của đội bóng không còn. Ở sân tập cũ, Leicester có một căng tin cho mọi người ngồi ăn và trò chuyện cùng nhau, không phân biệt cầu thủ, nhân viên hay đầu bếp. Môi trường ấy đã nuôi dưỡng những tình bạn thân thiết và cần thời gian để tái tạo điều này ở Seagrave. Tại chỗ mới, đội một sẽ ăn riêng, và tách biệt với đội trẻ và nhân viên, trong tổ hợp rộng gần 75 hecta.
Công tác chuyển nhượng cũng là vấn đề của Leicester những năm vừa qua. Họ không thể bán các cầu thủ dư thừa như trung vệ Jannik Vestergaard, Caglar Soyuncu, tiền vệ Youri Tielemans hay tiền đạo Ayoze Perez. Trong đó, Vestergaard hai lần từ chối yêu cầu ra đi, để ở lại đến hết hợp đồng. Leicester không thể mua cầu thủ mới, nếu không thanh lý được những người cũ.
Leicester bổ nhiệm người đứng đầu chuyển nhượng Martyn Glover quá chậm, khi “phiên chợ” hè 2022 đã khép lại. Khi thị trưởng mở cửa trở lại vào tháng 1/2023, Glover không kịp thay đổi tình hình đội bóng, bởi các vụ tuyển mộ hậu vệ Harry Souttar và Victor Kristiansen là không đủ cải thiện đội hình.
Nampalys Mendy, Dennis Praet và Boubakary Soumare cũng nằm trong danh sách bị thanh lý, nhưng cuối cùng họ vẫn ở lại. Soyuncu sa sút phong độ và có thời điểm bị cất dài hạn trên ghế dự bị. HLV Rodgers rồi người kế nhiệm Dean Smith cũng thất vọng khi tiền vệ đang lên Harvey Barnes có dấu hiệu chững lại.
Leicester cũng thiếu đi những thủ lĩnh tinh thần trên sân. Thủ môn đội trưởng Kasper Schmeichel muốn ở lại và đòi một hợp đồng dài hạn, nhưng không được Leicester đáp ứng. Họ để anh ra đi, vừa đôn thủ môn dự bị Danny Ward lên bắt chính. Mùa 2022-2023, Ward có tỷ lệ cứu thua 63%, đứng thứ 19 trong 23 thủ môn thường xuyên ra sân tại giải. Tỷ lệ thủng lưới của anh cũng ở mức 1,77 bàn mỗi trận, đứng thứ 20.
Trung vệ đội phó Jonny Evans vật lộn với chấn thương, khiến hàng thủ đội bóng không còn thủ lĩnh thực thụ. Tiền vệ đội phó Marc Albrighton cũng bị đẩy sang West Brom theo dạng cho mượn, còn tiền đạo kỳ cựu Jamie Vardy sa sút phong độ và thường phải dự bị.
Leicester dường như cũng thiếu đi nhiệt huyết từ ban huấn luyện, nơi Rodgers dẫn đội trong phần lớn mùa giải. Sau khi họ chỉ giành một điểm từ bảy trận đầu, ông đã nói rằng: “Leicester đã không còn là đội bóng như vài năm trước”.
Leicester đã có thể sa thải Rodgers ngay lúc đó, nhưng họ vẫn trao niềm tin cho ông – người đưa đội bóng tới hai suất dự cup châu Âu liên tiếp. Chỉ đến khi Leicester rơi xuống nhóm cầm đèn đỏ một lần nữa vào đầu tháng 4, giới chủ mới quyết định thay tướng.
Khi Leicester bổ nhiệm HLV Dean Smith, ông chỉ có tám trận để lật ngược tình thế, và như thế là quá ít. Smith đã hợp tác với cựu trung vệ John Terry để tìm cách cải thiện khả năng phòng ngự cho các hậu vệ. Terry nhiều lần họp và phân tích băng hình tình huống trong phòng thay đồ đội một, nhưng Leicester vẫn thủng lưới liên tiếp. Từ tháng 11 đến tháng 5, họ không giữ sạch lưới trận nào.
Leicester khép lại mùa giải tồi tệ, khi đội U23 cũng xuống hạng ở Premier League 2. Đội nữ của họ cũng suýt nữa phải xuống hạng. Gala cuối mùa cũng bị hủy, vì người hâm mộ không có nhiều điều để đánh giá cao về đội bóng.
Tuy nhiên, gia đình Srivaddhanaprabha không có ý định buông xuôi. Họ vẫn tiếp tục mở rộng khán đài phía Đông của sân King Power để tăng doanh thu từ vé vào sân. Tập đoàn King Power của nhà chủ Thái Lan cũng sẵn sàng cho đội bóng vay tiền bất cứ lúc nào cần thiết.
Điều khoản xuống hạng cũng được cài trong hợp đồng của các cầu thủ, khiến họ bị giảm lương. Ai không chịu có thể ra đi theo ý muốn. Điều này đảm bảo giúp Leicester hạ quỹ lương xuống, khi doanh thu từ hạng Nhất chắc chắn sẽ không cao như hồi còn ở Ngoại hạng.
Leicester sẽ tìm cách trở lại Ngoại hạng ngay ở mùa tới, để coi thất bại mùa này là bước lùi tạm thời. Tuy nhiên, áp lực với đội bóng sẽ nhân lên nếu họ không hoàn thành mục tiêu trở lại Ngoại hạng ngay lập tức.
Xuân Bình (theo The Athletic)