Nước bọt được tiết ra từ các tuyến nước bọt trong miệng. Các tuyến nước bọt chính là tuyến mang tai, tuyến dưới lưỡi và tuyến dưới hàm. Nước bọt không chỉ giữ ẩm trong miệng mà còn hỗ trợ tiêu hóa, kiểm soát vi khuẩn trong miệng và một số chức năng khác, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Việc thay đổi màu sắc và kết cấu nước bọt có thể là dấu hiệu bất thường. Nếu bạn thấy máu trong nước bọt, đặc biệt là sau khi đánh răng thì đó có thể là biểu hiện cảnh báo viêm nướu hoặc viêm nha chu.
Nướu bị viêm hoặc chảy máu cũng có nghĩa là vi khuẩn đang xâm nhập vào mạch máu. Trong trường hợp nước bọt màu vàng có thể là do đờm. Đờm vàng là dấu hiệu đường hô hấp đang bị nhiễm vi khuẩn hay virus.
Trong trường hợp nước bọt đặc quánh, có màu trắng đồng thời xuất hiện các mảng bám màu trắng trong miệng là dấu hiệu của nhiễm nấm men, hay còn gọi là tưa miệng. Bệnh tưa miệng do nấm men candida albicans phát triển quá mức trong miệng.
Nếu nước bọt có màu sắc và cấu trúc bình thường (trong và loãng) nhưng miệng lại thường xuyên có vị chua, nhất là khi đã vệ sinh răng miệng đầy đủ, thì rất có thể là dấu hiệu của trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng này nếu kéo dài thì cần phải đến bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời, theo Healthline.