Vé vào cổng “có một không hai”
Vừa qua, anh H. (ngụ tỉnh Đắk Lắk) sang xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng chơi, được người quen đưa đến tham quan suối nước nóng DaaNa. Đến nơi, anh H. và nhóm bạn bất ngờ vì nơi đây thu tiền giữ ôtô với giá 30.000 đồng/xe nhưng vé chỉ là một mảnh giấy trắng hình vuông được xé ra từ một tập giấy nhỏ, không hề có thông tin nào.
Lối vào khu du lịch suối khoáng nóng DaaNa.
Bất ngờ hơn, anh H. và nhóm bạn muốn tham quan phải mua vé vào cổng với giá 100.000 đồng/người nhưng phải thanh toán bằng cách chuyển khoản qua ngân hàng. Tấm vé mà nhóm khách nhận được cũng là mảnh giấy trắng hình vuông, chỉ in con số màu đỏ.
“Bên trong có giếng khoáng nóng cho khách, có bán nước suối và kem, ngoài ra thì không có dịch vụ nào khác. Nhà hàng được xây dựng nhưng chưa bán thức ăn” – anh H. bức xúc.
Có mặt tại khu suối khoáng nóng DaaNa, từ đường đi đến cổng chào, cổng chính chỉ có các biển hiệu với dòng chữ “DAANA”, không thấy thông tin gì về đơn vị quản lý hay chủ đầu tư dự án này.
Vé giữ xe (mảnh giấy đánh số 66) và vé vào cổng được nhân viên DaaNa bán cho khách.
Một nhóm khách từ xã Phi Liêng, huyện Đam Rông – cách suối khoáng nóng hơn 50 km – thắc mắc về việc khu du lịch không có bãi xe, không có nhân viên giữ ôtô nhưng lại lấy giá 30.000 đồng/chiếc. Vé giữ xe không có thông tin gì, nếu xảy ra mất mát hay hư hỏng thì lấy gì khiếu nại?
Một nữ nhân viên bán vé trả lời rằng không biết việc này, nếu khách thắc mắc thì có thể liên hệ với quản lý của khu du lịch. Sau một lúc tỏ vẻ không hài lòng, nhóm khách cũng chấp thuận mua vé vào tham quan vì tiếc công đi quãng đường xa.
Vào quầy vé, phóng viên hỏi giá và thắc mắc việc vé giao cho khách là tờ giấy trắng thì có đúng quy định hay không? Nữ nhân viên bán vé tiếp tục trả lời rằng cô không biết vì mới vào làm việc, công ty giao công việc thế nào thì làm thế ấy.
Tấm vé trắng mà nhân viên khu du lịch suối khoáng nóng bán cho phóng viên.
Khó “tìm” chủ đầu tư?
Vậy chủ khu du lịch là công ty nào? Cô gái bán vé ấp úng, sau đó nói không rành. Lúc này, một nhân viên khác thốt lên “Tiến Lợi”.
Phóng viên tiếp tục hỏi: Trường hợp khách muốn lấy vé có đầy đủ thông tin để thanh toán lại với công ty thì làm thế nào? Nữ nhân viên này vẫn ấp úng rồi nói rằng muốn lấy vé có đủ thông tin thì phải liên hệ quản lý hoặc cấp trên của chủ khu du lịch. Theo cô, vì nơi này mới hoạt động nên chỉ bán nước suối và kem, chưa có dịch vụ khác.
Tại cổng khu du lịch suối khoáng nóng, ngoài một số bảng hiệu ghi chữ “DAANA” thì không hề có thông tin nào về đơn vị quản lý.
Lấy cớ cần sắp xếp cho đoàn đông người đến suối khoáng nóng tham quan nghỉ dưỡng, phóng viên đề nghị gặp quản lý thì được chỉ vào một ngôi nhà lớn, gặp người đàn ông tên D.
Ông D. khẳng định việc ăn uống, nghỉ dưỡng cho đoàn khách 40-50 người là “không thành vấn đề”. Nếu khách đặt trước, lên danh sách món ăn, số lượng người, phía khu du lịch có thể lo được hết. Giá trung bình cho mỗi khách ở đây 2 ngày – 3 đêm khoảng 6-7 triệu đồng, bao gồm dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi.
“Bữa trước, đoàn của nghệ sĩ O.T.V gần 50 người cũng đến nghĩ dưỡng ở đây. Bên công ty lo được hết tất cả dịch vụ khách yêu cầu” – ông D. khoe.
Những trụ quét mã vé được lắp đặt ở lối vào khu du lịch nhưng không hoạt động
Khi phóng viên thắc mắc mua vé chỉ nhận mảnh giấy trắng thì làm sao về thanh toán với công ty, ông D. cam kết sẽ xuất hóa đơn nếu khách yêu cầu. Phóng viên đề nghị được biết tên chủ đầu tư khu du lịch cũng như muốn xin card visit thì ông ta từ chối với lý do chưa làm danh thiếp.
Rời khu du lịch suối khoáng nóng DaaNa, phóng viên đến UBND huyện Đam Rông để tìm hiểu về khu du lịch này. Một cán bộ tiếp phóng viên cho biết sẽ tiếp nhận thông tin. Người này đề nghị phóng viên ghi lại nội dung cần hỏi, giấy giới thiệu của báo; phía huyện sẽ căn cứ vào tôn chỉ, mục đích để trả lời sau.
Phóng viên ghi lại câu hỏi, đề nghị cung cấp thông tin về đơn vị quản lý khu du lịch; đặt vấn đề UBND huyện có biết việc nơi này “bán vé trắng” hay không và sẽ có phương án xử lý thế nào?…
Công trình xây dựng bên trong khu du lịch.
Sau đó, ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, đã ký văn bản giao Phòng Tài chính – Kế hoạch xác minh, cung cấp thông tin cho báo chí. Cụ thể, giao Phòng Tài chính – Kế hoạch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh theo nội dung phóng viên phản ánh và đề nghị cung cấp thông tin.
Một số hạng mục xây dựng trong khu du lịch
Theo phóng viên tìm hiểu, khu du lịch suối khoáng nóng DaaNa có tên đầy đủ là dự án Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, hồ bơi nước nóng Đạ Tông, do Công ty TNHH Xây dựng và Giao thông Tiến Lợi làm chủ đầu tư.
Trong dịp Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng, khu du lịch này được chấp thuận hoạt động 3 ngày (30-4, 1 và 2-5), đón khách vào tham quan, trải nghiệm. Thế nhưng sau đó, khu du lịch này tiếp tục hoạt động và thu tiền bán vé theo hình thức nêu trên.
Tại dự án này từng xảy ra 2 vụ phá rừng vào năm 2016 và 2021. Trong đó, vụ phá rừng năm 2016 gây thiệt hại hơn 1 ha, chủ đầu tư phải bồi thường hơn 29 triệu đồng. Vụ phá rừng năm 2021 gây thiệt hại hơn 3,4 ha, đã được khởi tố vụ án với 3 đối tượng, sau đó bàn giao cho Công an huyện Đam Rông điều tra.