BBK – Chiều 27/5, theo Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội làm việc tại Tổ. Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì Tổ thảo luận số 3.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì Tổ thảo luận |
Các ĐBQH thảo luận góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đây là 2 dự án Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 theo trình tự xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
Tại Tổ thảo luận số 3 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, Bắc Kạn, Nghệ An do đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì đã có 5 lượt đại biểu phát biểu, góp ý vào những nội dung cụ thể của 2 dự thảo luật. Các ý kiến cơ bản nhất trí, đồng tình với việc Quốc hội xem xét, thông qua 02 dự án Luật tại Kỳ họp này.
Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1 (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) thảo luận, góp ý vào các dự thảo luật. |
Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1 (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật thì Chính phủ sẽ phải ban hành thông tư hướng dẫn đối với việc xét thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn khi lập thành tích đặc biệt xuất sắc. Tuy nhiên, đối chiếu với Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, các quy định về thăng hàm cấp Tướng đều được quy định cụ thể trong luật nên khi thực hiện rất thuận tiện. Do đó, để đồng nhất giữa các luật, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể ngay trong dự thảo luật.
Về quy định kéo dài độ tuổi phục vụ đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động cụ thể đối với đối tượng là công nhân công an, lực lượng trinh sát, cơ động, nhất là đối với nữ CAND… và có báo cáo giải trình cụ thể, vì điều kiện làm việc của lực lượng này cũng rất nặng nhọc.
Về quy định phong quân hàm Đại tá đối với cán bộ cấp trung đoàn, đại biểu Hữu đề nghị cần cân nhắc, vì trung đoàn là đơn vị chiến đấu, điều kiện làm việc rất vất vả, việc phong quân hàm liên quan đến việc kéo dài độ tuổi phục vụ; đối với cán bộ có năng lực sẽ có điều kiện phát triển lên cấp cao hơn thì đáp ứng mức tuổi phục vụ ở mức cao hơn, còn ở cấp trung đoàn nên giữ nguyên việc phong quân hàm và độ tuổi phục vụ như luật hiện hành sẽ đảm bảo chế độ, chính sách tốt hơn cho cán bộ, chiến sĩ CAND và tránh so sánh giữa các lực lượng vũ trang.
Đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Hoàng Văn Hữu đề nghị bổ sung vào khoản 5, Điều 2 dự thảo luật việc khai báo tạm trú, tạm vắng tại Đồn Biên phòng khu vực biên giới, cửa khẩu nơi gần nhất, để phù hợp với nhiệm vụ quản lý người nhập cảnh, xuất cảnh đã được các Đồn biên phòng thực hiện rất tốt từ trước đến nay.
Thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ hơn về quy định thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất tính từ ngày 01/01/2021 để phù hợp với quy định hiện hành.
Trước đó, trong Phiên họp sáng cùng ngày, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra đối với 2 dự án luật trên./.