Năm 2017, Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ NĂM 2017 (thay thế cho Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006) quy định về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; trong đó, có nội dung: “Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước; chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước”…
Hội đồng thẩm định công nghệ trạm xử lý nước thải Cụm công nghiệp Gia Thuận 2 (huyện Gò Công Đông). |
Theo Thạc sĩ Bùi Nhân Tôn (Phòng Quản lý công nghệ và Chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang), nhờ có những điều chỉnh trong cơ chế và chính sách kinh tế mà quan hệ thương mại được mở rộng, tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận được những thành tựu mới của khoa học công nghệ, từ đó đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, trình độ tay nghề của người lao động và năng suất lao động được nâng lên.
Ngoài ra, thẩm định công nghệ là một khâu quan trọng trong quá trình chuyển giao công nghệ tại các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, từ năm 2018 đến năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã trưng cầu ý kiến của các chuyên gia và tổ chức Hội đồng tư vấn khoa học công nghệ để thẩm định công nghệ cho 13 dự án và góp ý công nghệ 230 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Các dự án được yêu cầu thẩm định và góp ý về công nghệ chủ yếu thuộc lĩnh vực xử lý môi trường và công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, trồng trọt, chăn nuôi. Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thẩm định và cho ý kiến về các nội dung, mục tiêu của dự án, phân tích lựa chọn công nghệ, thiết bị trong dây chuyền công nghệ được xem xét trên cơ sở thiết bị đó có tính năng, chất lượng phù hợp với yêu cầu của dự án, các yếu tố tác động đến môi trường của dự án…
Trong quá trình thẩm định các dự án trên địa bàn tỉnh, Hội đồng thẩm định cũng lưu ý một số vấn đề có liên quan đối với các doanh nghiệp cần phải có phương án thu gom và xử lý chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động của dự án phải đảm bảo theo các quy định về quản lý môi trường; Phương án dự phòng và thay thế các phụ tùng thiết bị khi có sự cố xảy ra trong quá quá trình vận hành. Tất cả các thiết bị máy móc trong dây chuyền công nghệ của dự án phải mới 100%, đối với các thiết bị nhập khẩu phải có chứng nhận xuất xứ (C/O), chứng nhận chất lượng (C/Q) và đáp ứng được các chỉ tiêu kỹ thuật của dự án.
Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác quản lý công nghệ tại địa phương còn một số hạn chế, bất cập, khó khăn như: Chưa ban hành quy định phân công, phân cấp về thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư; chưa quy định cơ quan chuyên ngành, lĩnh vực trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển giao công nghệ đối với các dự án đầu tư.
Thạc sĩ Lê Minh Đúng, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Chuyên ngành (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết, trong thời gian tới, đối với những dự án có nội dung công nghệ phức tạp, có tính liên ngành hoặc có phạm vi ảnh hưởng rộng, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ trưng cầu ý kiến các chuyên gia, tổ chức Hội đồng thẩm định công nghệ và có ý kiến bằng văn bản về công nghệ của các dự án này.
Việc áp dụng các quy định về công tác thẩm định, có ý kiến công nghệ đã mang lại hiệu quả tích cực như hạn chế công nghệ thủ công, lạc hậu gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe, thay vào đó là các công nghệ tiên tiến, công nghệ mới giúp nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ được chuyển giao tại tỉnh Tiền Giang.
“Để triển khai thực hiện đúng quy định văn bản quy phạm pháp luật và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về thẩm định công nghệ dự án đầu tư và kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ trình UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý chuyển giao công nghệ và thẩm định công nghệ dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”- Thạc sĩ Lê Minh Đúng cho biết thêm.
NHÂN TÔN – HOÀNG LONG
.