Sống trong vùng chiến sự
“Tam giác Telembí” chỉ ba huyện Barbacoas, Roberto Payán và Maguí Payán thuộc tỉnh Narino, miền Nam Colombia và ở ngay sát biên giới với Ecuador. Trước đây vùng tam giác Telembí được biết đến như “vựa vàng” của cả Colombia. Người dân tứ xứ đổ đến Telembí để đào vàng, bạc, bạch kim, than và các loại khoáng sản khác. Nhưng trong vòng hơn chục năm trở lại đây, người ta nghĩ đến Telembí như vùng “Tam giác vàng” mới. Vị trí hẻo lánh, địa hình hiểm trở, khi hậu khô ráo đã thúc đẩy các tổ chức tội phạm ma túy biến Telembí thành trung tâm sản xuất và mua bán ma túy.
Đa số dân cư ở tam giác Telembí là người dân tộc thiểu số bản địa hoặc hậu duệ của những nô lệ da đen bị đưa đến Narino để đào mỏ. Họ vốn đã nghèo, nhưng kể từ khi xung đột đẫm máu nổ ra giữa tội phạm ma túy và quân đội, họ đã hoàn toàn rơi vào cảnh cùng quẫn. Theo ước tính của Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF), hiện nay có 21.106 người dân Telembí buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ để lánh nạn. Hơn 6.000 người khác đang bị kẹt lại trong vùng chiến sự.
Cuộc sống trong các trại tị nạn ở Telembí đang diễn ra vô cùng khó khăn. Mario Luia là trưởng thôn hiện đang tị nạn tại một khu trại ở Roberto Payán do MSF dựng lên. Mario chia sẻ với hãng tin BBC: “Chúng tôi được cấp đồ ăn nhưng lại không có đủ nước sạch để nấu ăn. Nấu ăn, tắm rửa, giặt giũ đều dùng nước sông. Mà nước sông ở đây vốn đã bẩn vì người ta rửa quặng ở trên thượng nguồn, bây giờ lại có thêm chất thải từ khu trại nữa. Tháng nào chúng tôi cũng có mấy trường hợp bị ngộ độc, tiêu chảy, kiết lỵ”.
“Ngoài một số trường hợp được họ hàng cho tá túc, đa số chúng tôi ở trong lều hoặc may hơn là ở trong mấy căn nhà kia” (Mario chỉ tay vào mấy căn nhà gạch mới xây thô). “Một căn nhà ba tầng mà có tới tận 6 gia đình cùng sống đấy. Chúng tôi muốn xây thêm nhà nhưng mà không kiếm được nguồn vật liệu xây dựng ở gần đây”.
Không chịu được cảnh khổ cực, nhiều người đã phải bỏ trại tị nạn để về nhà. Không ít trường hợp sau đó bị chết vì đạn lạc hoặc dẫm phải mìn do cartel ma túy chôn. Ngay cả khi họ sống sót, những người chở về cũng chỉ có sự lựa chọn làm việc cho tội phạm: các cartel đã chiếm lấy hết ruộng vườn của họ.
Luis Angel Argote, điều phối viên của MSF ở Narino, lên tiếng cảnh báo: “Cả chính quyền Colombia lẫn cộng đồng quốc tế vẫn chưa đánh giá đúng mức cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Telembí. Có cả trăm gia đình đang không được tiếp cận với thực phẩm, nước sạch và thuốc men… MSF và các tổ chức tình nguyện khác đã cố gắng hết sức để chăm sóc sức khỏe người tị nạn, nhưng chúng tôi không có đủ khả năng chữa trị cho những trường hợp như phụ nữ có thai hay bệnh nhân mắc bệnh kinh niên. Nhiều bệnh nhân vì thế đã chọn cách tự tử hay từ chối chữa trị vì không tin vào khả năng khỏi bệnh của họ”.
Jaume Rado, giám đốc Colombia của MSF, có cùng chung quan điểm trên: “Cái mà người tị nạn ở Telembí cần nhất bây giờ là thực phẩm, nước sạch, thuốc men và chỗ ở. Họ không thể chịu đựng lâu hơn nữa trong cảnh sống hiện nay. Các tổ chức ở trong và ngoài Colombia đã lên tiếng về cuộc khủng hoảng nhân đạo này hơn ba năm rồi, nhưng thật đáng thất vọng khi chưa thấy bất kỳ phản ứng có quy mô lớn nào từ nhà chức trách.”
Ở vùng tam giác Telembí hiện nay đã có MSF, Liên hiệp quốc, Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS) và Hội Chữ thập đỏ quốc tế tham gia cứu trợ người tị nạn. Vấn đề nằm ở việc họ chỉ dám hoạt động quanh khu vực các thành phố và thị trấn. Không ai đủ dũng khí để đi xa hơn vì cách những chỗ thị tứ chỉ vài cây số là đã gặp đồn điền trồng thuốc phiện nhung nhúc những tay súng của bọn cartel.
Những phát súng trong đêm
Hiểu rằng không thể trông chờ vào sự cứu trợ từ bên ngoài, không ít cá nhân, tổ chức ở Telembí đã tự đứng lên tìm cách giải quyết vấn đề ma túy. Các hội nhóm như Avelino Ull được lập ra để vận động bà con không trồng ma túy và hỗ trợ họ làm giàu theo cách khác. Điều này khiến các nhà hoạt động xã hội bị bọn cartel “đặt vào tầm ngắm”.
Jesús Mestizo được người dân Telembí thân mật gọi là “Chucho”. Anh là người sáng lập và lãnh đạo Avelino Ull. Không ít lần Chucho đã thuyết phục được các gia đình địa phương từ bỏ cây thuốc phiện, cây coca và động viên con em không đi theo cartel. Anh bị bắn chết trong một đêm cách đây hơn 3 năm.
Ceneida, vợ của Chucho, trả lời phỏng vấn tờ The Daily Beast (Mỹ): “Trước khi anh ấy bị giết, bọn tội phạm ngày nào cũng gửi tin nhắn rồi gọi điện đe dọa Chucho. Anh ấy bỏ hết ngoài tai mọi thứ. Chucho thề rằng sẽ chiến đấu tới chết”.
Vào một đêm tháng 7/2019, một đám người lạ mặt vác súng vây quanh nhà Chucho. Ceneida thuật lại: “Chúng đập cửa kêu anh ấy đi ra ngoài. Cả hai chúng tôi biết rằng ra ngoài là chết, nhưng anh ấy vẫn đi bởi vì nếu ở lại thì chúng sẽ giết cả hai. Trước khi đi Chucho còn hôn lên trán tôi rồi bảo là mọi chuyện rồi sẽ ổn. Anh ấy đi theo bọn chúng… Một lúc sau thì tôi nghe thấy một tràng tiếng súng”.
Chucho tử vong vì bị bắn sáu phát vào người. Anh chỉ là một trong số 843 nhà hoạt động xã hội và lãnh đạo cấp địa phương trên toàn Colombia bị ám sát bởi tội phạm kể từ năm 2016 đến nay. Riêng trong năm 2022 đã có 215 vụ giết người như vậy, cao hơn con số 145 của năm 2021. Các nạn nhân đều là người đe dọa trực tiếp đến lợi nhuận của các tập đoàn ma túy.
“Động cơ” chính thúc đẩy việc nuôi trồng cây thuốc phiện tại tam giác Telembí nói riêng và Colombia nói chung là một giống cần sa biến đổi gen mang biệt danh “Creepy”. Một cân cần sa chiết xuất từ giống Creepy có giá tương đương 20 cân cocaine. Tại Mỹ, thị trường tiêu thụ chính của ma túy Colombia, 450g cần sa Creepy có giá trung bình là 1.800 USD. Rất nhiều hộ gia đình nông dân nhận thấy loại cây trồng nào cũng không lãi bằng Creepy nên đã tự nguyện chuyển sang trồng thứ cây thuốc phiện này.
Tam giác Telembí còn là nơi trú ngụ của các nhóm bán vũ trang như Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) hay Quân đội Giải phóng nhân dân (EPL). Họ tách ra từ FARC sau khi tổ chức này tiến hành giải giáp vào năm 2017. Thay vì chiến đấu vì một lý tưởng chính trị như FARC, ELN hay EPL chủ yếu chiến đấu vì tiền, địa bàn và quyền lực.
Một cựu thành viên FARC giấu tên viết trên báo Colombia: “Los Disidentes (một tổ chức tội phạm có gốc gác FARC) chỉ lấy cái danh của FARC. Chúng đơn giản là cartel ma túy… Đám trẻ vác súng cho Los Disidentes chỉ trung thành với chính chúng”.
Giáo sư Robert Bunker, chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc quân đội Mỹ, có chung quan điểm trên: “Các nhóm nổi dậy hậu-FARC gây chiến theo kiểu của thế kỷ 21 chứ không theo mô hình quân kháng chiến cánh tả của thế kỷ 20… Mỗi cartel lại như một ông lãnh chúa phong kiến, và họ gây chiến với nhau và với chính phủ vì những mục tiêu vật chất – tiền, quyền lực và phụ nữ. Họ hiểu rằng không thể sống bằng lý tưởng”.
“Tội phạm khó diệt trừ hơn là quân nổi dậy. Bất kỳ nhóm nổi dậy nào cũng tồn tại và bị ràng buộc bởi các điều kiện kinh tế địa phương. Còn tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, có liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế quốc gia và quốc tế”.
Ông trùm nắm quyền lực lớn nhất ở Telembí hiện nay là Gerardo “Barbas” Herrera, chỉ huy của nhóm phiến quân Dagoberto Ramos. Vào năm 2019, dân quân ở Vereda La Capilla bắt được Barbas và một số lãnh đạo khác của Dagoberto Ramos. Chúng đáp trả bằng cách xả súng vào xe của nhà hoạt động xã hội Cristina Bautista Taquinas, giết chết bà cùng bốn người dân quân đi theo hộ tống. Sau đó chính quyền địa phương buộc phải thả Barbas cùng đồng bọn để tránh đổ máu.
Đáp trả lại hành động tàn bạo của các cartel, người dân nhiều nơi đã thành lập các tổ dân vệ, dân quân. Họ thiếu súng nên phải dùng sức mạnh số đông để bắt giữ những đoàn xe chở ma túy rồi công khai tiêu hủy hàng hóa thu giữ được. Các tay súng cartel bị bắt giữ sau đó sẽ bị đưa ra “tòa án thôn” xét xử. Ở một số nơi người dân còn xây cả phòng để giam giữ kẻ bị kết án.
Chính phủ Colombia đến nay vẫn giữ thái độ dè dặt với các nhóm dân quân tự quản. Theo các nhà quan sát, Bogotá không muốn các nhóm này tồn tại vì sợ sẽ lại có một tổ chức nổi dậy mới như FARC, nhưng bản thân chính quyền trung ương cũng không có đủ khả năng bảo vệ người dân ở các vùng sâu, vùng xa.
Một nhà hoạt động vì quyền lợi các dân tộc bản địa giấu tên nói với tờ The Morning Star (Anh): “Người dân các địa phương có nhiều người bản địa không muốn thấy quân đội chính phủ. Vào thập niên 1980, 1990 từng có những ngôi làng người dân tộc bị xóa khỏi bản đồ bởi những cuộc đi càn của quân chính phủ. Thật khó để họ quên đi nỗi sợ và sự căm giận đó.”
Sau khi FARC và chính phủ Colombia ký kết hiệp ước hòa bình, Bogotá đã cho triển khai chương trình thúc đẩy chuyển đổi cây trồng cho những hộ nông dân trồng cây nha phiến. Tuy vậy, các bất ổn chính trị – kinh tế tại quốc gia Nam Mỹ này đã khiến chương trình trên gần như “dậm chân tại chỗ”. Giáo sư Robert Bunker nhận xét: “Colombia sẽ không đi đến đâu trong cuộc chiến chống ma túy nếu như họ không thu hẹp lại khoảng cách giàu nghèo và tạo ra cơ hội kinh tế cho người ở độ tuổi lao động… Tầng lớp thượng lưu Colombia đang “nắm” quá chặt nền kinh tế nước này, khiến cho người nghèo không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành tội phạm”.
Đối với những người bản địa như Mario Luia, nỗi lo lớn nhất của anh là thế hệ trẻ sẽ coi việc sản xuất, mua bán ma túy như lẽ thường trên đời: “Nó giống như căn bệnh lan truyền giữa những đứa trẻ… Tội ác nhất của bọn cartel là cướp lấy tương lai của chúng”.
Nguồn:https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/telembi-tam-giac-vang-cua-colombia-i694879/