BTO-Đây là khẳng định của Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông trong phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng vào sáng nay 29/5.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Thông bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo giám sát của Quốc hội. Đại biểu khẳng định, việc chọn và triển khai chuyên đề giám sát tối cao “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid -19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” rất đúng và trúng.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, bối cảnh thực hiện chuyên đề này là trong điều kiện đất nước trải qua một thời gian chống dịch hết sức vất vả, đau thương, mất mát và chưa có tiền lệ. Qua đó, chúng ta thấy được tinh thần đoàn kết, thương yêu của con người Việt Nam, “lá lành đùm lá rách”, “chia ngọt sẻ bùi”, hình ảnh những thiên thần áo trắng, những anh bộ đội, lực lượng vũ trang giúp dân phòng chống dịch, mua thực phẩm… “
Tuy nhiên qua đại dịch Covid 19, chúng ta thấy rõ hơn lòng tham của một số người, kể cả những người có chức có quyền đã lợi dụng sự mất mát, đau thương của người dân, của đất nước để cấu kết cố ý làm trái pháp luật làm giàu bất chính. Và thực tế đã bị pháp luật nghiêm trị” – đại biểu Thông nói.
Cũng theo đại biểu, qua đại dịch thấy sự chăm lo của Đảng, nhà nước đến sức khỏe của nhân dân. Các cấp, các ngành thể chế hóa chủ trương của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bằng hàng trăm văn bản, hàng ngàn chỉ đạo hướng dẫn về phòng, chống dịch và huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thức xuyên đêm chỉ đạo phòng chống dịch, vào vùng dịch để thăm hỏi động viên nhân dân… Kết quả là chúng ta đã phòng chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế đạt được những thành tựu hết sức to lớn.
Phản ánh về những bất cập, lỗ hổng qua giám sát, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đã chia sẻ lại tâm sự của một bác sĩ khi Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đi giám sát, đây cũng là tâm tư của rất nhiều y, bác sỹ. Đó là trong quá trình phòng, chống dịch, đội ngũ y, bác sĩ đã cố gắng hết sức để có trang thiết bị cứu sống người bệnh. Tuy nhiên, sau dịch, nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian và tâm trí của nhiều y, bác sĩ lại là chuẩn bị các nội dung giải trình, làm rõ việc huy động nguồn lực, hoàn trả trang thiết bị cho các doanh nghiệp, tổ chức. Bên cạnh đó, một nỗi lo, đau đáu khác đó là làm sao trả nợ cho các doanh nghiệp những vật tư y tế, thuốc men trong tình huống cấp thiết đã mượn trước để chữa trị cho bệnh nhân. Bây giờ các doanh nghiệp liên tục đòi nợ nhưng không có cơ sở để hoàn trả…
Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đầu tư chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”. Cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở chậm đổi mới. Điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế tại trạm y tế xã chưa đảm bảo để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và tỷ trọng chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở còn thấp trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại tuyến cơ sở ngày càng cao và yêu cầu đầu tư cho y tế cơ sở ngày càng lớn. Còn vướng mắc trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và nhất là nguồn lực về con người chưa được quan tâm đúng mức…
Để giải quyết những bất cập trên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện về thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch: Có cơ chế riêng để thực hiện việc mua sắm phục vụ phòng chống dịch khi xuất hiện các dịch bệnh tương tự như dịch Covid-19, tránh bị động, bất ngờ, lúng túng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan sớm giải quyết thanh toán việc mua sắm, mượn vật tư y tế, hóa chất, trang phục bảo hộ… phục vụ phòng dịch cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để đảm bảo nhân lực cho Trạm Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay, cần điều chỉnh tăng mức trần biên chế. Cụ thể là kế thừa theo cách tính của Thông tư liên tịch số 08 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước, đề nghị nâng từ không quá 10 biên chế/trạm hiện nay lên tối đa không quá 20 biên chế/1 trạm.
Mặt khác, tăng cường đầu tư trang thiết bị ở tuyến cơ sở để nâng cao công tác khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế, nhất là khám bệnh, chữa bệnh BHYT đảm bảo hiệu quả, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Đồng thời, tiếp tục có các chính sách, giải pháp phù hợp để thu hút bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng về phục vụ tại các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến cơ sở trước tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc có chiều hướng gia tăng. Sớm điều chỉnh Nghị định số 56 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập để nhân viên y tế đảm bảo cuộc sống và gắn bó với nghề.