Là ngân hàng hoạt động chủ yếu trên địa bàn nông thôn, thường xuyên giao dịch với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông giáo dục tài chính đối với người dân. Qua đó giúp người dân có kiến thức cần thiết về tài chính, các công cụ, sản phẩm dịch vụ tài chính… để mạnh dạn tiếp cận, sử dụng đáp ứng nhu cầu phát triển.
Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng số tại Agribank Chi nhánh huyện Ý Yên. |
Ngân hàng đã chủ động khảo sát, nắm rõ các thông tin được quan tâm đối với người dân là lãi suất và tỷ giá, tiền gửi tiết kiệm, vay vốn ngân hàng, an toàn, bảo mật thông tin, tiện ích dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán…. Từ đó đã tích cực triển khai công tác truyền thông về vai trò, ý nghĩa của tài chính toàn diện và giáo dục tài chính với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, hiệu quả, góp phần nâng cao kiến thức và hiểu biết tài chính cho người dân. Ngân hàng CSXH còn thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác tổ chức tập huấn cho 84 cán bộ hội, đoàn thể cấp tỉnh, huyện, 191 trưởng thôn, 1.260 cán bộ ban quản lý tổ tiết kiệm; tuyên truyền phổ biến kịp thời các văn bản, chính sách, nghiệp vụ mới như nghiệp vụ kiểm tra giám sát hoạt động uỷ thác, chấm điểm đánh giá chất lượng uỷ thác, ứng dụng VBSP Mobile Banking… Tại 204 điểm giao dịch xã, các văn bản chính sách về tín dụng, đối tượng vay vốn đều được niêm yết công khai. Trong quý I năm 2023, ngân hàng đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông tuyên truyền trên Báo Nam Định, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, các trang Thông tin điện tử cấp huyện. Các Phòng giao dịch huyện còn thường xuyên tuyên truyền về tín dụng chính sách, phổ biến chính sách mới; tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người vay trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm… Đầu năm 2023, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã triển khai phổ biến ứng dụng dịch vụ ngân hàng trên điện thoại thông minh của Ngân hàng CSXH (VBSP SmartBanking) đến với người dân. Qua ứng dụng, người dân có thể dễ dàng tìm hiểu về các cơ chế, chính sách, lãi suất ưu đãi của từng chương trình tín dụng chính sách; tính toán các khoản vay, quản lý chi tiêu phù hợp với nhu cầu vốn, khả năng chi trả của gia đình. Đây chính là “cầu nối” giúp người dân có thêm kiến thức về quản lý tài chính, chi tiêu hợp lý, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Đến nay, đã có 696 tài khoản được kích hoạt. Các ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính theo hướng “dễ hiểu – dễ nhớ – dễ làm – dễ lan tỏa” thông qua các nền tảng số như Mobile Banking, Internet Banking, Youtube, Facebook, Zalo… Việc hiểu biết về tài chính sẽ giúp người dân tin tưởng vào các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tự tin tiếp cận và hạn chế việc sử dụng các dịch vụ tài chính ngoài ngân hàng, nhất là tín dụng đen. Hơn nữa, mỗi cá nhân cũng sẽ biết quản lý ngân sách tốt hơn, gia tăng nguồn lực tiết kiệm trong dân và thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư cho xã hội.
Tuy nhiên, truyền thông giáo dục tài chính cho cộng đồng hiện chưa tiếp cận được một số đối tượng; chưa có chương trình đào tạo đặc thù phù hợp từng nhóm đối tượng, phương pháp giảng dạy truyền thống thiếu hiệu quả; các kiến thức, thông tin liên quan đến hoạt động ngân hàng mang tính chuyên ngành cao, khó hiểu đối với đại chúng. Bên cạnh đó, thông tin liên quan đến hoạt động ngân hàng mang tính chất nhạy cảm, có tính lan truyền, tác động lớn trong xã hội, dễ gây khủng hoảng truyền thông, nếu không xử lý tốt các sự cố có thể ảnh hưởng đến sự an toàn hệ thống và niềm tin đối với ngân hàng.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh sẽ nghiên cứu sáng tạo nội dung các chương trình truyền thông giáo dục tài chính, đổi mới cách tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, cảnh báo cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ này. Đồng thời cung cấp cho người dân các hiểu biết về tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trên không gian mạng, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ thanh toán số. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện các chương trình truyền thông giáo dục tài chính có tính sáng tạo, dễ hiểu, dễ tiếp cận, có tính tương tác cao, ứng dụng sức mạnh công nghệ số; phối hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp để triển khai các chương trình phù hợp cho từng nhóm đối tượng; phối hợp với các tổ chức tín dụng để truyền thông một cách trực quan, sinh động về các sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức tín dụng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn