Chưa năm nào Vụ Đông Xuân lại gặp nhiều trắc trở như năm nay khi thời tiết diễn biến phức tạp, mưa ít, tình trạng thiếu nước cục bộ kéo dài trên diện rộng. Song, với sự vào cuộc quyết liệt của các sở ngành, chính quyền các cấp, những giải pháp căn cơ đã phát huy hiệu quả, các trà lúa phát triển tốt, nay đã đến kỳ thu hoạch, dự kiến cho năng suất cao. Đây là thành quả xứng đáng với những nỗ lực không ngừng của ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc trong suốt thời gian qua.
Linh hoạt vượt khó
Cách đây gần 2 tháng, nhiều thửa ruộng còn đang trong tình trạng nứt nẻ, khô cong, nỗi lo mất mùa khiến nông dân các xã đứng ngồi không yên. Trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, từ đầu vụ Đông Xuân 2022-2023 lượng mưa không đáng kể, nước tưới phụ thuộc chủ yếu vào các đợt xả nước của hồ thủy điện và các ao, hồ dự trữ, trong khi mực nước các sông, hồ thường xuyên ở mức thấp, các trạm bơm vận hành rất khó khăn, dù nhiều trạm đã cố gắng hạ thấp cos nước.
Đến cuối tháng 3/2023, nhiều thửa ruộng vẫn trong tình trạng nứt nẻ do thiếu nước tưới.
Trước nguy cơ xảy ra khô hạn, các công ty thủy lợi, chính quyền địa phương đã phối hợp nhịp nhàng, lắp đặt hàng trăm trạm bơm dã chiến, sử dụng tiết kiệm nguồn nước dự trữ, tận dụng tối đa nguồn nước hồi quy, lấy nước khoa học và tiết kiệm.
Nhờ đó, cây lúa sinh trưởng tương đối ổn định, chỉ một số ít trà lúa xuân sớm gieo trồng trên các diện tích chiêm đầm ở khu vực phía Bắc của tỉnh bị ảnh hưởng, do giai đoạn làm đòng sớm hơn so với trà lúa xuân muộn.
Các trà lúa tại khu vực phía Nam tỉnh gồm các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, được cấp đủ nước tưới, giai đoạn làm đòng có mưa xuất hiện, qua đó tỷ lệ hạt chắc đạt cao, hứa hẹn cho năng suất cao.
Thêm vào đó, với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa như cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, đảm bảo gieo cấy đúng khung thời vụ giúp các trà lúa sinh trưởng đồng đều, hạn chế sâu bệnh hại.
Các chương trình hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ đã cơ bản làm thay đổi đa dạng sinh học trên các cánh đồng theo hướng tích cực. Đặc biệt là việc đưa các giống lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất như TBR225, ADI 28, Thiên ưu 8, Quế Lâm… với tỷ lệ gần 80% mỗi vụ đã nâng cao sức chống chịu của cây lúa trên đồng ruộng.
Những nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh hứa hẹn sẽ đem lại kết quả tích cực cho người nông dân ngay vụ Đông Xuân 2022-2023, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng trong bối cảnh một số ngành công nghiệp, xây dựng đang trong tình trạng suy thoái, ảm đạm. Điều đó thêm phần khẳng định sự hiệu quả của cơ chế, chính sách trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc.
Thành quả mong đợi!
Những ngày giữa tháng 5, trên các cánh đồng của xã Cao Phong, Đồng Thịnh(Sông Lô), rộn ràng tiếng nói cười rôm rả, không khí lao động hăng say sôi nổi. Nông dân huy động tối đa số đầu máy gặt liên hợp nhằm rút ngắn thời gian thu hoạch, tranh thủ thời tiết thuận lợi, xử lý rơm rạ, hạn chế sâu bệnh hại, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho gieo cấy vụ Mùa 2023.
Với những nỗ lực của nông dân, các cấp chính quyền, các trà lúa sinh trưởng tốt, cho năng suất cao.
Anh Đặng Văn Hùng, nông dân xã Đồng Thịnhchia sẻ: Thời tiết năm nay tuy khắc nghiệt, song với sự chuẩn bị chu đáo của nông dân, cây lúa cho năng suất khá cao. Đến giờ phút này, ai nấy cũng thở phào nhẹ nhõm. Những vụ trước, mưa sớm làm đất nhão, việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch tại các diện tích chiêm trũng rất khó khăn. Năm nay ít mưa, mặt ruộng cứng hơn, máy gặt về nhiều hơn giúp việc thu hoạch diễn ra nhanh chóng và thuận lợi.
Thênh thang trên con đường Quốc lộ 2C, hướng từ xã Đồng Văn (Yên Lạc) đi trung tâm huyện Vĩnh Tường, dạo một vòng tham quan vựa lúa lớn của tỉnh, trong cái nắng chiều chói chang ngày đầu hè, những cánh đồng lúa chín như biển vàng lấp lánh, thắp lên hy vọng được mùa, sự ấm no cho nông dân các xã huyện Vĩnh Tường. Hiện hơn 6.600 ha diện tích trà lúa xuân muộn đang đến thời kỳ chắc xanh, đỏ đuôi, chỉ khoảng hơn chục ngày nữa sẽ cho thu hoạch.
Niềm vui được mùa của chị Phạm Thị Phấn, thôn Cốc Lâm, xã Bình Định (Yên Lạc).
Trên các cánh đồng của huyện Yên Lạc, luá bắt đầu chín đỏ, nông dân mong ngóng từng ngày nắng, bởi “ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả”. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Lạc Trần Gia Khánh cho biết: Dù là huyện ở cuối nguồn nước, song với những giải pháp đã triển khai, các trà lúa chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, đến nay phát triển rất tốt, hiện đã vào giai đoạn chắc xanh, dự kiến sẽ gặt rộ từ ngày 25/5, năng suất có thể đạt từ 67-68 tạ/ha. Có thể nói, lúa vụ Đông Xuân 2022-2023 cho năng suất rất cao trong bối cảnh gặp nhiều bất lợi trong quá trình sản xuất.
Theo số liệu cung cấp từ Sở NN&PTNT, đến nay, trên 10% tổng số 28.000 ha diện tích lúa Đông Xuân đã được thu hoạch, trong đó chủ yếu là trà lúa xuân sớm tại các diện tích chiêm đầm. Còn lại các trà lúa xuân muộn đang bước vào thời kỳ chắc xanh, đỏ đuôi, dự kiến sẽ thu hoạch từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6. Năng suất trung bình ước đạt khoảng 60-62 tạ/ha, xấp xỉ vụ Đông Xuân 2021-2022.
Đánh giá quá trình sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Quân chia sẻ: Vụ Đông Xuân 2022-2023 là vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hầu hết các diện tích lúa của tỉnh đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước, nhiều nơi phải cầm cự, chạy đua cùng thời gian với các trạm bơm dã chiến.
Trong đó thời điểm cuối tháng 4 là cam go nhất, khi cây lúa đến thời kỳ làm đòng, giai đoạn quyết định đến năng suất của cả vụ. Để đảm bảo nước tưới, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các công ty thủy lợi phối hợp với chính quyền các địa phương cùng người nông dân nỗ lực ngày đêm, vét cạn nguồn nước dự trữ, bảo vệ sản xuất. Nhất là khi cơn mưa vàng vào ngày 28/4 xuất hiện, giải cơn khát cho toàn bộ các diện tích còn khô hạn, góp phần quan trọng đem tới một mùa vụ thắng lợi.
Bài, ảnh: Chu Kiều