Nhà chức trách hy vọng có thể ngăn chặn cá hồi hồng xâm hại chiếm lĩnh những con sông ở Anh bằng công nghệ nhận dạng gương mặt thường gặp ở điểm xuất nhập cảnh.
Các chuyên gia động vật hoang dã lo ngại cá hồi hồng hay còn gọi là cá hồi lưng gù đang phát triển những quần thể sinh sản ở vùng sông nước của Anh, cạnh tranh với cá hồi Đại Tây Dương bản xứ, theo Telegraph. Trong mùa hè năm nay, một nhóm chuyên gia từ tổ chức bảo tồn Atlantic Salmon Trust sẽ tới Na Uy để học hỏi công nghệ giúp đối phó cá hồi hồng xâm hại.
Na Uy cũng trải qua vấn đề tương tự Anh. Số lượng cá hồi hồng ở nước này năm 2021 là 100.000 con nhưng dự kiến tăng tới một triệu con vào năm 2023, gây thiệt hại lớn cho chuỗi thức ăn địa phương, mang đến dịch bệnh và gây rối loạn sự cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái bản xứ. Na Uy giải quyết vấn đề bằng cách triển khai cửa chặn sông trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ mở với cá hồi Đại Tây Dương. Hệ thống lọc AI ở sông Storelva của Na Uy ghi hình cá khi chúng bơi lên thượng nguồn và dẫn cá hồi hồng xâm hại vào bể chứa và thả ra biển.
“Nếu hệ thống phù hợp và hiệu quả, chúng tôi có thể cân nhắc sử dụng. Cá hồi hồng là một mối đe dọa thực sự mà chúng tôi đang chuẩn bị đối phó”, Mark Bilsby, giám đốc điều hành AST chia sẻ. Hệ thống AI ở Na Uy do Huawei hợp tác phát triển, được huấn luyện qua hàng nghìn ảnh chụp cá hồi Đại Tây Dương, cá hồi nâu và cá hồi hồng để có thể phân biệt giữa những loài xâm hại với độ chính xác 90%.
Cá hồi hồng thường rất dễ phân biệt với cá hồi Đại Tây Dương, đặc biệt khi trưởng thành và trong điều kiện sinh sản, khi con đực phát triển phần bướu to trên lưng. Chúng có phần lưng mà xanh dương ánh bạc hoặc xanh dương – xanh lá cây, cùng những đốm đen to dọc lưng, vây đuôi và đuôi. Cá hồi hồng dài 40 – 60 cm, nhỏ hơn nhiều cá bản xứ. Cá cái cũng có đốm chi chít trên vây và màu hồng nâu ở bên hông. Hệ thống AI rất thành thạo trong việc phát hiện những điểm khác biệt mà con người có thể không chú ý.
Cá hồi hồng là động vật bản xứ ở ven biển Thái Bình Dương của Nga và khu vực Bắc Mỹ, du nhập vào sông ngòi ở châu Âu vào thập niên 1950 như một nguồn thức ăn, sau đó lan rộng ra phía bắc Đại Tây Dương. Tương tự cá hồi Đại Tây Dương, chúng bắt đầu vòng đời kéo dài hai năm ở nơi nước ngọt, sau đó di cư ra biển, rồi trở lại sông ngòi để sinh sản. Chỉ có vài con cá hồi hồng trên sông ngòi ở Anh trước năm 2015, nhưng từ sau đó, nhà chức trách đã ghi nhận gần 200 cá thể và lo ngại nguy cơ xâm hại trong năm nay. Cơ quan bảo vệ môi trường Scotland cũng sẽ kiểm tra ADN ở sông ngòi trong hè này để xác định mức độ lan rộng của chúng.
Cá hồi bản xứ đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm, trang trại chăn nuôi và nhiều vấn đề khác. Cá hồi hồng cũng bảo vệ tổ theo cách dữ dằn, có thể tấn công và cạnh tranh nguồn thức ăn, đồng thời tác động tới hoạt động di cư của cá hồi bản xứ.
An Khang (Theo Telegragh)